Vũ Thanh Thủy

Hỏi về việc khởi kiện đòi nợ nhưng bị đơn không có mặt ở nơi cư trú

Kính gửi Cty tư vấn Luật Minh Gia! tôi có vấn đề sau muốn nhờ Cty tư vấn giúp tôi. Tôi làm ngân hàng, hiện khách hàng của tôi đã quá hạn 2 năm, đã thành nợ xấu.

 

Nhiều lần yêu cầu khách đến làm việc nhưng khách không hợp tác và bỏ đi.Ngân hàng tôi đã gửi đơn kiện đến tòa án nơi khách hàng tôi có hộ khẩu thường trú, nhưng không có cách nào liên lạc được.Trong trường hợp này, phía bên tòa án có thể xử đơn phương cho ngân hàng tôi được thắng kiện và thu hồi được tài sản để phát mại mà không cần chữ ký chuyển nhượng của bên chủ tài sản không ạ.rất mong nhận được sự tư vấn của CtyTrân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình hình của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xét xử vắng mặt của bị đơn:

 

Căn cứ theo Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

 

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

 

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

 

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

 

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

 

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

 

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

 

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

 

Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

Theo thông tin bạn trình bày thì khách hàng của bạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng khi đến hạn dù bạn đã nhiều lần thông báo nhưng phía khách hàng không chịu hợp tác và bỏ đi. Hiện tại, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng không thể liên lạc được với người này thì đối chiếu với quy định trên nếu triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà khách hàng của bạn không có mặt hoặc không có đơn xin xét xử vắng mặt thì tòa án sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa. 

 

Về vấn đề xác định triệu tập hợp lệ, đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú hiện tại của đương sự, căn cứ theo khoản 5 Điều 177 BLTTDS 2015 quy định: 

 

5. Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

 

Do vậy, nếu bên vay không có mặt tại nơi cư trú, không xác định được địa chỉ cụ thể thì Tòa có thể giao giấy triệu tập và có sự xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn, đồng thời sẽ niêm yết công khai văn bản này tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân này.

 

Trường hợp triệu tập hợp lệ lần thứ hai theo quy định của pháp luật mà người này vẫn tiếp tục vắng mặc mà không có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc do sự kiện bất khả kháng như tai nạn, ốm đau phải điều trị,…thì Tòa án sẽ xem xét xét xử vắng mặt họ.

 

Thứ hai, xử lý tài sản thế chấp:

 

Căn cứ theo Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định:

 

Điều 58. Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm

 

1. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu gia theo quy định của pháp luật.

 

Do đó, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà phía khách hàng không thực hiện đúng theo hợp đồng các bên đã giao kết thì ngân hàng bạn có quyền xử lý tài sản là mảnh đất này theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản này thì mảnh đất đó sẽ được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp muốn xử lý tài sản này thì ngân hàng vẫn phải tiến hành thông báo cho bên vay biết, trường hợp mà người này bỏ đi không thể thông báo được, phía ngân hàng có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo