Phạm Diệu

Ngân hàng có quyền phát mại tài sản khi bên bảo lãnh chết không?

Luật sư tư vấn về trường hợp phát mại tài sản thế chấp khi bên bảo lãnh chết. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào luật sư! Tháng 5/2011 tôi có vay ngắn hạn 12 tháng ngân hàng 400 triệu và tài sản thế chấp là căn nhà của bác tôi đứng ra bảo lãnh. Đến tháng 5/2012 khi đáo hạn thì tôi không có khả năng trả do công ty tôi làm ăn thua lỗ. Tháng 7/2012 thì bác tôi bị ung thư và qua đời. Từ đó cho đến nay là tháng 4/2018 bên phía ngân hàng không có động thái gì về việc xử lý tài sản thế chấp của tôi. Chỉ có mấy lần hẹn gặp tôi nói chuyện xem phương án xử lý nợ thế nào và cũng không có biên bản làm việc hay ký giấy tờ gì. Ngày 16/4/2018 ngân hàng có mời tôi lên làm việc và thông báo cho tôi là tiền lãi của những năm qua là 800 triệu và tiền gốc là 400 triệu và đề nghị tôi phải thanh lý, nếu không sẽ khởi kiện tôi. Họ đưa ra lý do đến nay mới khởi kiện vì hồ sơ vay của tôi bị thất lạc giờ mới tìm được. Tôi có đề nghị phía bên ngân hàng chốt nợ gốc lại cho tôi là 400 triệu còn lãi suất thì giảm cho tôi và mỗi tháng tôi đóng gốc + lãi là 25 triệu, nhưng phía ngân hàng không chịu. Ngân hàng yêu cầu tôi trả ít nhất 100 triệu mỗi tháng. Bản thân tôi hiện công việc bấp bênh không đủ khả năng chi trả như vậy. Phía ngân hàng nói sẽ khởi kiện tôi ra tòa án. Luật sư cho tôi hỏi: Ngân hàng làm vậy có đúng trình tự không? Tôi được biết là thời hạn khởi kiện của HĐVV TD có thời hạn, và HĐ của tôi đã quá thời hạn khởi kiện có đúng không? Và quyền lợi và trách nhiệm của tôi là gì? Xin cảm ơn Luật sư! Trân trọng kính chào!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 355 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bảo lãnh như sau:

 

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”.

 

Ngoài ra, tại Điều 339 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.”.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp đến hạn thanh toán cho ngân hàng nhưng bạn không có khả năng thanh toán thì ngân hàng có quyền yêu cầu người bác phải thực hiện nghĩa vụ.

 

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cho biết, tháng 7/2012 người bác qua đời. Do đó, trong trường hợp này, để giải quyết khoản vay với ngân hàng thì trước tiên bạn phải có đứng ra chi trả chi khoản tiền vay và tiền lãi cho ngân hàng. Trường hợp, bạn không có khả năng chi trả thì ngân hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu phát mại tài sản thế chấp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo