Nguyễn Kim Quý

Ngân hàng cho vay với lãi suất cao có cấu thành tội cho vay lãi nặng?

Luật sư tư vấn về hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng. Ngân hàng cho vay với lãi suất cao có cấu thành tội cho vay lãi nặng?

Nội dung tư vấn: Em xin Chào Văn Phòng Luật sư Minh Gia. Em xin Luật Sư Tư vấn giúp em về việc cho vay của ngân hàng như sau có được xem là nặng lãi hay không ạ? Em có vay 30tr đồng của ngân hàng thông qua liên kết với mạng điện thoại thì lãi với gốc em trả là 1tr744 nghìn. Mà lại trả với lãi suất 58%/năm (vay 2 năm). Ngân hàng tính lãi cho em vay thì trên số tiền gốc 30tr chứ không phải theo dư nợ giảm dần (Gốc thì vẫn trả hàng tháng tầm 400 nghìn) lãi vay thì gần 1tr4. Em không biết sao ngân hàng lại tính lãi với gốc như vậy. Như vậy có phải là cho vay nặng lãi không ạ? Hiện tại em thấy vậy nên không đóng tiền mấy tháng nay. Bên ngân hàng có gửi mail và gọi điện nói đã đưa đơn lên phòng Viện kiểm sát để kiện em và cũng nói bán nợ cho công ty đòi nợ. Hiện tại em rất hoang mang và lo sợ không biết như thế nào. Kính Mong Luật Sư Tư Vấn giúp em để em có hướng giải quyết cho tốt ạ. Giờ em phải báo cáo ai để giải quyết ạ. Em cảm ơn ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn vay tiền của ngân hàng với số tiền là 30 triệu đồng, lãi suất 58%/năm. Vì bạn ký kết hợp đồng vay với ngân hàng là tổ chức tín dụng nên hợp đồng của bạn là hợp đồng vay tín dụng, mức lãi, lãi suất của hợp đồng tín dụng được quy định tại Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP như sau:

 

“Điều 7. Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng

 

1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

 

2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.”

 

Như vậy, hợp đồng vay của bạn với ngân hàng là hợp đồng tín dụng nên không thể áp dụng mức lãi suất cho vay của Bộ luật Dân sự 2015 được mà phải áp dụng mức lãi suất theo quy định tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:

 

“Điều 13. Lãi suất cho vay

 

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

 

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

 

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

 

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

 

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

 

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

 

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

 

3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

 

4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

 

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

 

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

 

5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.”

 

Theo quy định trên, ngân hàng cho bạn vay với mức lãi suất do các bên thỏa thuận với nhau và ghi nhận trong hợp đồng cho vay tùy theo từng gói vay, khoản vay của ngân hàng nên việc ngân hàng cho bạn vay với mức lãi suất như trên không trái với quy định của pháp luật.

 

Trường hợp bạn vay tiền của ngân hàng, sau đó lại có những dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 74 và Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

…”

 

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 100

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

…”

 

Nếu bạn không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, không bỏ trốn khỏi nơi cư trú, không dùng số tiền được cho vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không còn khả năng trả lại tài sản hoặc không thuộc trường hợp cố tình không trả lại tài sản dù có khả năng, có điều kiện để trả thì sẽ không cấu thành tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi đó, ngân hàng chỉ có thể khởi kiện bạn ra Tòa án để buộc bạn thực hiện theo đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 hoặc Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo