Luật gia Nguyễn Nhung

Muốn đòi lại tiền dùng vào mục đích xin việc có được hay không?

Đây là một vụ việc về yêu cầu hoàn trả tiền dùng vào mục đích xin việc, Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về việc có thể đòi lại được hay không theo pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung tư vấn: Kính gửi văn phòng luật sư. Tôi xin luật sư tư vấn cho tôi một việc như sau.  Năm 2013 bạn tôi có nhờ tôi xin việc cho 1 đối tác ( tên A) vào cơ quan nhà nước. Tôi có nhờ lại 1 người trong cơ quan đó tên ( B) xin vào cơ quan này. Sau đó A được đi làm hợp đồng từ năm 2013 đến tận tháng 3 năm 2018 thì chấm dứt hợp đồng. Tôi và bạn tôi không thỏa thuận việc có được biên chế hay không biên chế và cũng không thỏa thuận thời gian hợp đồng ( vì tôi là người trung gian ).Trước khi xin việc B không nói rõ cho tôi là khi nào được biên chế và khi nào phải chấm dứt hợp đồng. Số tiền bạn tôi ( thay mặt A) đưa cho tôi là 100triệu , tôi chuyển hết cho B từ năm 2013. Tất cả mọi giao dịch tiền đều không có giấy tờ biên nhận.Nay công việc của A bị chấm dứt hợp đồng ( theo luật nhà nước. A ko vi phạm gì). Bạn tôi và A quay lại đòi lại toàn bộ số tiền giao cho tôi. Tôi có đặt lại vấn đề đó với B về hoàn lại tiền . Nhưng B từ chối và không nhận . Nay tôi đứng ở giữa không biết giải quyết ra sao.Xin hỏi Luật sư bạn tôi và A có thể khởi kiện tôi không . và tôi có vi phạm luật pháp không ?Và tôi có thể đòi lại tiền bên B không. Trong trường hợp trả lại tiền cho bạn tôi và A . tôi phải trả lại bao nhiêu? Kính mong sự hồi âm sớm nhất của Luật Sư.Tôi xin chân thành cám ơn! 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc khởi kiện đòi lại tiền xin việc

 

Có thể xác định, có giao dịch dân sự giữa bạn và bạn của bạn (thay mặt A) đưa số tiền là 100 triệu đồng cho bạn,với mục đích là xin việc cho A. Do đó, có thể xác định đây là một giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội căn cứ vào quy định Điều 123 Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS):

 

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

 

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

 

Như vậy, do giao dịch dân sự này vô hiệu, nên Y và A có quyền kiện bạn nhưng giao dịch này sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu theo khoản 3 Điều 132 BLDS như sau:

 

Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

 

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

 

Thứ hai, trường hợp người trung gian phải trả lại đủ số tiền mà người cần đi xin việc đưa.

 

Giao dịch giữa bạn và B cũng được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội khi bạn đưa số  tiền đó cho B để nhờ xin việc cho A. Do đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015.

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 131 trên, bạn có thể đòi tiền từ B đủ 100 triệu đồng và bạn phải hoàn trả cho Y và A đủ 100 triệu đồng này.

 

Thứ ba, về việc nhận tiền để xin việc cho người khác có vi phạm pháp luật không

 

Việc bạn nhận tiền để xin việc cho người khác là một giao dịch dân sự không hợp pháp, do vậy pháp luật không công nhận. Căn cứ vào Điều 123 BLDS nêu trên thì đây xác định là một giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Do đó, đây  và bạn đã vi phạm pháp luật dân sự khi nhận số tiền này để xin việc cho A .

 

Ngoài ra, trong trường hợp B là người có chức vụ, quyền hạn trong công ty thì việc bạn dùng 100 triệu đồng để xin việc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo quy định của khoản 1 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 

Điều 364. Tội đưa hối lộ

 

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 

b) Lợi ích phi vật chất.

...

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Nhung - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo