Luật sư Việt Dũng

Muốn đòi lại tiền chạy xin việc có được hay không?

Chào luật sư Minh Gia, em muốn hỏi luật sư một việc như sau: Bạn làm cùng cơ quan với em có đặt vấn đề xin việc làm cho em của em. Vì tin tưởng là đồng nghiệp nên em đã đồng ý và giao hồ sơ cùng tiền cho bạn ý là 150tr ngày 12/01/2016

 

( có giấy viết tay nhận vay tiền ) trong giấy hẹn sau 3 tháng thì trả. Bạn ấy bảo 1 tháng sau thì sẽ đi làm nhưng chờ mãi không thấy đc đi làm nên em đã đòi lại tiền bằng cách gọi điện và nhắn tin trên face book để xin lại tiền thì bạn cũng nhắn lại là chờ đợi thêm một thời gian nữa. ( tin nhắn vẫn lưu ) Sau 3 tháng vẫn không được đi làm, gọi điện thì bạn ấy cắt liên lạc. Em đến nhà gặp bố mẹ bạn ấy thì bố mẹ bạn nói sẽ thay bạn ấy xin việc cho em của em nhưng em không đồng ý và nói xin gặp bạn ấy để xin lại tiền. Sau mấy lần đến gặp thì bố bạn ấy trả cho em 50tr đồng và hẹn 1 tháng nữa trả tiếp. Một tháng sau đến gặp thì bố bạn nói không có tiền, bao giờ bạn ấy có tiền thì trả. Đồng thời bạn ấy đã bỏ làm việc tại cơ quan và không liên lạc với em nữa. Em viết đơn kiến nghị đến Công an Thành phố và cung cấp tin nhắn cùng đơn xin vay tiền của bạn ấy cho công an. Công an lấy chữ ký đi giám định giữa đơn vay tiền và hợp đồng lao động của cơ quan bạn ấy đã ký thì kết luận là đúng chữ ký bạn ấy vay tiền. Nhưng triệu tập bạn ấy thì bạn đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. sau 3 tháng thì em nhận đc giấy thông báo của công an trả lời là đã xác minh và điều tra nhưng vì bạn ấy không có nhà nên không triệu tập được đến công an để làm rõ sự việc và thời hạn điều tra đã hết. em gọi điện cho người phụ trách giải quyết việc này thì đc trả lời là muốn giải quyết nhưng không có nhà thì không giải quyết đc. Đợi khi nào triệu tập đc thì giải quyết tiếp. Vậy luật sư cho em hỏi bạn ấy chiếm đoạt tiền của em và bỏ trốn như vậy có phải tội lừa đảo không? công an giải quyết như vậy có đúng không? Em thấy giải quyết vẫn chưa thỏa đáng thì cần phải gặp ai?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau: 

 

Thứ nhất, căn cứ tại điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:

 

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

 

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

 

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

 

Như vậy với mục đích ban đầu giữa bạn và người kia là chạy xin việc cho em của bạn. Việc chạy việc này xét về khía cạnh chuẩn mực đạo đức xã hội pháp luật không đảm bảo về giao dịch dân sự. Lúc này khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải trao trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Đồng thời khi đưa tiền cho người bạn kia 2 bên đã làm giấy vay với thời hạn là 3 tháng. Quá thời hạn 3 tháng bên kia vẫn chưa trả hiện tại mới trả được 1 phần thì  khi này bạn có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bên kia trả lại tài sản cho mình.

 

Thứ hai, xác định hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có nội dung như sau:

 

- Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.

 

Lưu ý: Gian dối là đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng không phải mọi hành vi gian dối đếu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

- Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao)

 

Theo thông tin bạn cung cấp ở trên sau nhiều lần yêu cầu trả tiền  thì người đó chỉ trả lại cho bạn 50 triệu đồng, còn lại 100 triệu nữa thì không thấy người đó chỉ hứa hẹn bao giờ có thì trả sau đó không liên lạc được và có hành vi bỏ trốn. Người nhận chạy việc cho bạn chiếm đoạt số tiền là 100 triệu đồng và có hành vi trốn tránh căn cứ vào quy định Điều 139 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 thì người nhận chạy việc này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Thứ ba, sau khi cơ quan công an đã triệu tập người nhận tiền của bạn tuy nhiên người này lại bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cơ quan công an đã điều tra thu thập thông tin chúng tôi giải quyết theo hướng đã có quyết định khởi tố vụ án. Lúc này cơ quan điều tra sẽ phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;

 

Như vậy vì không biết hiện tại người nhận tiền của bạn trốn đi đâu cho nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra. Khi có lý do để phục hồi lại quyết định tạm đình chỉ điều tra như đã xác định được nơi cư trú, nơi lẩn trốn của người đã nhận tiền của bạn cơ quan điều tra sẽ phục hồi điều tra tiếp tục giải quyết vụ việc. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo