Luật gia Nguyễn Nhung

Mâu thuẫn xô xát nếu một bên không hợp tác thỏa thuận thì giải quyết thế nào?

Tư vấn trường hợp: Hai gia đinh mâu thuẫn nhau do một bên luôn say rượu và phá phách nhà kế bên. Sau nhiều lần như vậy thì chồng em tức quá dùng gạch ném chảy máu trán ông ta. Gia đình em đã trả tiền băng vết thương cho ông ta nhưng gia đình ông ta đòi em bồi thường thêm và nuôi ông ta. Em muốn thoả thuận hoà giải nhưng gia đình đó không hợp tác thì phải làm sao? Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Em xin được kể toàn bộ câu chuyện của gia đình em và nhà hàng xóm cho luật sư nghe, rồi nhờ luật sư tư vấn giúp em, cho e cách giải quyết. Bên cạnh nhà em có ông hàng xóm là công an viên hay uống rượu mà mỗi lần uống về là chửi và vác đá tống vô nhà em, đập cửa và phá bảng hiệu của chồng em, chồng e làm thợ nhôm kính cửa nhựa window, rất nhiều lần cứ say rượi về là như vậy,rất nhiều lần vợ chồng e nhịn vì nghĩ hàng xóm với nhau em chỉ qua nói, nhắc nhở khi ông tỉnh rượi nhưng ông k nói gì, có lần phá lúc 12h đêm e phải gọi bác công an viên khu phố nhưng bác vô cũng k giải quyết dc gì vì ông chưởi cả bác nữa. Cho đến ngày 13.5.2018 lúc 14h30 trong lúc chồng em đang làm ở bên nhà thì ông đi uống rượi về dùng vòi nước bơm xịt qua nhà em và làm ướt máy cắt nhựa của chồng em. Lúc đó ông đang ở trong sân nhà ông khóa cổng lại nhưng vẫn dùng vòi bơm nước qua, chồng e qua nói "bác đừng làm vậy ướt máy cháu" ông nói "tau bơm đó làm chi tau" sau đó chồng em quay về làm tiếp nhưng ông vẫn dùng máy bơm nước qua tiếp, vì tức quá chịu đựng ấm ức bức xúc bấy lâu nay mà vô nhà ông thì k dc vì ông khóa cổng, e có ngăn chồng e nhưng vì em có bầu nên k đủ sức ôm chồng em lại được, e thả chồng e ra chạy kêu người can, thì lúc đó có cục gạch đã bể nằm đó chồng e ném vô nhà ông và đã trúng vào trán ông chảy máu, lúc đó e nhờ người gọi công an vào làm việc, e nhờ người chở ông đi trạm khâu vết thương vì e bầu nên k chở dc mà chồng e lúc đó k đủ bình tỉnh, công an vào làm xác nhận nước qua tận nửa sân và trên máy chồng em. Công an hỏi hai gia đình thỏa thuận hay sao thì bà vợ ông nói uh chi phí em chịu, lúc đó em đã ra trạm và đã trả hết 300 nghìn tiền khâu và thuốc. Sau đó con gái của ông đến chưởi và đòi đưa viện lúc đó khoảng 15h30, khoảng sau 1 tiếng thì về vừa bước xuống xe tắc xi thì ông ném cục đá liên tục vào nhà em, e sợ quá gọi công an vào và thu được 3 cục đá trong sân nhà em. Và công an lập biên bản ghi nhận sự việc chứ k cho từng người tường trình sự việc. Cho đến chiều 14.5.2018 e ra công an hỏi thì công an nói e đến thăm hỏi ông và hai nhà thỏa thuận, chiều hôm đó e đi làm về có qua nhà xin lỗi và hỏi thăm thì dc biết chiều hôm đó con gái ông đưa đi viện, sau đó e ngồi nói chuyện và xin lỗi vì đã  xảy ra việc đáng tiếc này, nhưng vợ ông ta nói e phải chịu bồi thường tất cả và lên nuôi ông, vợ ông ta còn nói ông nằm viện chừ thuê người làm bảo e phải trả tiền, e k nói gì hết, e nói cho cháu biết chú nằm khoa nào phòng mô để cháu lên thăm thì bà vợ nói k biết và gọi điện cho con gái bà hỏi ba nằm ở phòng nào, con gái bà ta hỏi là ai hỏi phòng đó bà ta nói chị hường là tên của em thì con gái bà ta cúp máy. Lúc đó e nói hỏi phòng với khoa chú nằm cho cháu với. Nhưng sáng nay 15.5.2018 vẫn k đưa địa chỉ cho em, e điện lên em gái e đang làm gần bệnh viện nhờ em của em tìm phòng rồi e lên vì e bầu mà đi tìm khoa này đến khoa khác e k đủ sức. Em gái e đến khoa G là khoa chấn thương nhưng tìm từ tầng 1 lên tầng 5 k thấy. Giờ e phải làm sao đây luật sư, công an thì bảo thỏa thuận hòa giải nhưng họ k hợp tác e phải làm sao. Em xin cám ơn luật sư rất nhiều vì đã bớt thời gian đọc thư em. Em rất mong nhận dc sự tư vấn của luật sư.Em xin cám ơn rất nhiều nhiều ạ. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này, gia đình bạn nên thoả thuận với vợ của người hàng xóm (nếu bạn không gặp được con và chồng người hàng xóm) về mức bồi thường thiệt hại, trong trường hợp nhà hàng xóm yêu cầu mức bồi thường vượt quá khả năng của gia đình bạn thì bạn có quyền yêu cầu từ chối và bồi thường ở mức hợp lý.

 

Về hành vi chồng bạn ném gạch vào đầu người hàng xóm thì chồng bạn phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) như sau:

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

…”

 

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

 

Trường hợp này, người hàng xóm của bạn đã bị thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm căn cứ vào Điều 590 BLDS như sau:

 

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Do đó, bạn có thể căn cứ vào các quy định về mức bồi thường thiệt hại để thoả thuận mức bồi thường hợp lý cho bên kia.

 

Ngoài ra, với hành vi quấy rối của người hàng xóm với nhà bạn thì gia đình bạn cũng có thể được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại lại đối với bên kia và yêu cầu Toà án, cơ quan có thẩm quyền khác buộc người đó phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật và buộc xin lỗi, cải chính công khai. Căn cứ theo BLDS như sau:

 

+ Đối với hành vi chửi bới thì gia đình bạn có quyền sau:

 

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

 

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

 

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

+ Đối với hành vi vác đá, đập cửa, đập vỡ bảng hiệu và phun nước vào nhà, vào máy cắt nhựa nhà bạn thì bạn có quyền sau:

 

“Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

 

“Điều 170. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

 

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”

 

“Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

 

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.”

 

Như vậy, căn cứ vào nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Điều 585 BLDS nêu trên thì hai gia đình có thể thoả thuận và tính mức bồi thường hợp lý.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo