Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Luật sư tư vấn về di sản thừa kế ông bà để lại

Hỏi luật sư tư vấn: Ông T và bà H không có con ông bà đã nhận hai cháu là con của hai em gái ông t về làm con nuôi một cháu trai sinh 1952 về ở với ông bà khi 7 tuổi, cháu gái sinh 1962 ông bà t / h nhận về nuôi khi 1 tuổi, quan hệ bố mẹ nuôi con nuôi không thay đổi cả về mặt pháp lý lẫn tình cảm.

Năm 1988 ông T đột ngột qua đời vì xuất huyết não không để lại di chúc, cả hai con nuôi và bà H đều không yêu cầu chia di sản của ông T  bà H vẫn quản lý sở hữu toàn bộ tài sản của hai ông bà. Tháng 6 năm 2003 bà H bị tai biến mạch máu não sau 2 lần cấp cứu bà thành người thực vật đi lại bằng xe lăn và nằm bất động cho đến khi mất là tháng 1 năm 2011, lúc này con trai nuôi đã nghỉ hưu và ở cùng nhà nên đương nhiên sử dụng, quản lý toàn bộ tài sản của bố mẹ nuôi để lại. Tháng 8 năm 2011 cháu gái về ở tại căn nhà cấp 4 và yêu cầu chia di sản mà bố mẹ nuôi để lại, nhưng cháu trai đã đuổi em gái của mình đi với lý do là ông đã được cấp sổ đỏ vào tháng 12 năm 2003 tức là vào lúc bà H đã và đang điều trị tai biến mạch máu não, đồng thời ông công bố một bản di chúc mà ông nói của bà H với nội dung cho ông toàn bộ tài sản trong di chúc này. Cháu gái làm đơn đến UBND phường yêu cầu với lý do cháu khẳng định rằng di chúc là giả mạo, việc cấp sổ đỏ cho anh trai là trái pháp luật vì không có hợp đồng chuyển giao tặng cho tài sản của chủ sở hữu là mẹ nuôi của hai người còn căn cứ vào di chúc thì di chúc dù rằng là thật thì di chúc vào thời điểm đó chưa có hiệu lực pháp luật vì bà h năm 2011 mới mất,,,  

Sau nhiều lần hòa giải tại phường mọi người đều yêu cầu ông anh nên chia cho em nhưng ông này kiên quyết không nghe, do vậy cháu gái đã làm đơn khởi kiện ra tòa án đòi chia di sản thừa kế theo pháp luật tòa án đã thụ lý giải quyết, trong thời gian tòa thụ lý cháu đã chứng minh được chữ ký trong di chúc mà ông anh xuất trình không phải lá chữ ký của mẹ, cháu chứng minh bằng cách có đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký trong di chúc với nguyên mẫu chữ ký của mẹ còn lưu giữ tại cơ quan bảo hiểm trong các bản lĩnh lương tuất của chồng bà mà khi còn khỏe mạnh bà thường ký nhận, phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh dã có văn bản kết luận, chữ ký trong di chúc và chữ ký trong bảng lĩnh lương tuất không phải do một người ký, với những tình tiết như trên tôi xin hỏi cháu gái khởi kiện đòi chia di sản thừa kế theo pháp luật, có chính đáng không?  di sản thừa kế là toàn bộ tài sản của hai ông bà hay chỉ chia phần tài sản của bà vì như một cán bộ tòa án giải thích ông đã chết từ 1988 nên phần tài sản của ông không chia mà ông anh là người đang ở  sử dụng và quản lý sẽ được hưởng tất và đề nghị cháu gái hòa giải theo hướng đó,./   tôi năm nay 66 tuổi là cán bộ hưu trí tôi được cháu gái ủy quyền đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu vậy rất mong cho một lời góp ý và một lời khuyên, xin cảm ơn!

 

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự quy định:"Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
 

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

 

Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

 

 Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004  và hướng dẫn như sau:"Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết".

 

Trường hợp này, đối chiếu với các quy định nêu trên thì có thể thấy, ông T đã mất năm 1988 nên đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện để chia thừa kế. Tòa chỉ giải quyết theo hướng chia tài sản chung khi các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản chưa được chia. Trường hợp hết thời hiệu khởi kiện và không có đủ 2 điều kiện nêu trên thì người thừa kế mất quyền khởi kiện và Tòa cũng không thực hiện thụ lý vụ án để giải quyết.

 

Do vậy, trường hợp này có sự tranh chấp và người anh trai cũng không thừa nhận di sản chưa được chia nên người em gái chỉ có thể khởi kiện chia di sản thừa kế của người mẹ.

 

Về việc người anh trai đã làm thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

 

Vì mảnh đất đó là của người mẹ nên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người anh trai thì cần có giấy tờ chứng minh quyền được đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật (như giấy tờ hợp pháp về mua bán, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất).

 

- Trường hợp khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng mảnh đất đó cho người anh trai được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật (có hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng tặng cho) thì người em gái không có căn cứ để đòi chia di sản thừa kế.

 

- Trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người anh trai thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật thì Giấy chứng nhận đó có thể bị thu hồi. Theo Điểm a Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 88/2009: “Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp”. Trường này giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người anh trai sẽ bị thu hồi và mảnh đất đó được xác định là di sản thừa kế do người mẹ để lại và được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

 

Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp thì có thể thấy người cháu gái hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu chia di sản thừa kế mà người mẹ để lại. Về di sản của người bố thì vì đã hết thời hiệu khởi kiện và người anh trai không thừa nhận di sản chưa chia nên không có căn cứ để người em yêu cầu chia di sản từ người bố để lại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn về di sản thừa kế ông bà để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng

Luật gia: Dương Thị Châm - Công ty Luật Minh gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo