Luật sư Dương Châm

Lấy lại Sổ đỏ đã thế chấp

Hỏi: Em trai bố em có vay nặng lãi nên bố mẹ em đã đặt sổ đỏ của nhà em ra để vay ngân hàng giúp chú em số tiền là 150 triệu. Nhưng trong tài khoản ngân hàng của chú em lúc trước vẫn còn tiền gửi 200 triệu.

 Do thím em không chịu rút 200 triệu tiền mà gia đình chú em đã gửi trước đó ra để trả cho chú em nên bố mẹ e mới phải đặt sổ đỏ vay ngân hàng giúp chú e ạ. Ngân hàng là người đứng ra đảm bảo là thím em sẽ không rút được 200 triệu tiền gửi ra nếu không trả 150 triệu kia ạ. Vậy trường hợp nếu đến kì hạn trả tiền để rút sổ đỏ ra mà thím em không chịu lấy tiền đã gửi ngân hàng để trả tiền thì ngân hàng có tự động lấy số tiền mà gia đình chú em đã gửi chuyển sang số tiền mà bố em đã đứng ra vay không ạ. Và trong trường hợp này thì nên xử lý thế nào để gia đình em có thể lấy sổ đỏ về được ạ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Bạn có cung cấp thông tin ba bạn đặt sổ đỏ để vay tiền giúp chú bạn, vậy “vay giúp” ở đây mang tính chất bố bạn tự đứng ra vay tiền ngân hàng sau đó cho chú bạn vay lại khoản vay này, hay bố bạn đứng ra bảo lãnh, đặt sổ đỏ của gia đình để chú bạn thực hiện hợp đồng vay với ngân hàng.

 

Trường hợp bố bạn thực hiện hợp đồng vay độc lập với ngân hàng


Theo quy định tại Khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
 
"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".


Theo đó, vì hợp đồng giữa gia đình bạn và ngân hàng và hợp đồng giữa ngân hàng với gia đình chú thím bạn là các hợp đồng dân sự khác nhau có bản chất là hợp đồng vay tiền. Các chủ thể của các hợp đồng đó là khác nhau, do đó, không thể lấy tài sản bảo đảm của hợp đồng này để thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng khác. Chính vì vậy, đối với hợp đồng vay tiền của gia đình bạn với ngân hàng, khi đến hạn trả tiền để rút sổ đỏ mà thím bạn không chịu lấy tiền đã gửi ngân hàng để trả tiền thì ngân hàng cũng không có quyền tự lấy số tiền mà gia đình thím bạn đã gửi để trừ vào nghĩa vụ bố bạn phải trả được.

 

Trường hợp bố bạn đứng ra bảo lãnh cho hợp đồng vay của chú bạn với ngân hàng

 

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bảo lãnh như sau:

 

"Điều 335. Bảo lãnh

 

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
 

Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

 

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

 

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại."


Như vậy, nếu đứng vai trò là bên bảo lãnh trong hợp đồng vay giữa chú bạn và ngân hàng, trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà chú bạn không trả hoặc trả không đủ tiền cho ngân hàng thì bố bạn sẽ phải thay chú thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng, nếu không đủ điều kiện kinh tế để thực hiện nghĩa vụ, tài sản thế chấp là căn nhà của gia đình bạn sẽ được phát mãi để trả nợ.

 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Lấy lại Sổ đỏ đã thế chấp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV. Hoài Trang - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo