Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Làm giả hồ sơ vay vốn tại ngân hàng để chơi cổ phiếu giải quyết thế nào?

Chồng tôi làm giả hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, ngân hàng phát hiện nên đòi chồng tôi trả tiền, nếu không trả sẽ khởi kiện. Nếu khởi kiện thì sẽ như thế nào? Làm hồ sơ giả mà ngân hàng vẫn để lọt thì ngân hàng có phải chịu trách nhiệm không? Tôi có thể gia hạn thời gian trả nợ không? Ngân hàng mà chồng tôi mua cổ phiếu bị ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng thì cổ phiếu còn giá trị không? Nếu làm ăn thua lỗ chồng tôi có được đền bù thiệt hại không?

 

Nội dung câu hỏi: Kính gửi luật sư. Chồng tôi nghe lời bạn làm hồ sơ giả vay vốn ngân hàng khoảng 1 tỷ để mua cổ phiếu. Cổ phiếu được thế chấp cho ngân hàng, nay công ty mua cổ phiếu bị phá sản ngân hàng biết được về làm hồ sơ giả nên đòi tiền. Nếu không trả sẽ bị ngân hàng kiện. Cho tôi hỏi nếu bị kiện thì chồng tôi ra sao? Làm hồ sơ giả mà ngân hàng vẫn để lọt hồ sơ cho chồng tôi vay liệu có bị chịu trách nhiệm không? Bây giờ tôi chưa có khả năng trả thì có gia hạn thêm 1 thời gian được không, vẫn đóng lãi? Công ty chồng tôi mua cổ phiếu là một ngân hàng A nay ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng thì cổ phiếu đó có còn giá trị không, khi đầu tư vào đó mà ngân hàng hay công ty làm ăn thua lỗ thì chồng tôi có được đền bù thiệt hại không. Trân trọng cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, với hành vi làm giả hồ sơ để vay vốn ngân hàng

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp, chồng bạn đã làm giả hồ sơ để vay vốn ngân hàng với mục đích đầu tư mua cổ phiếu, số tiền vay là một tỷ đồng. Với hành vi làm giả hồ sơ này chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Điều 139 BLHS quy định như sau:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Tái phạm nguy hiểm;

 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

 

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoăc tù chung thân: 

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên:

 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Bên cạnh đó, với các khoản vay có kỳ hạn và có lãi suất, nếu chồng bạn không thanh toán được thì ngân hàng có quyền tính lãi suất theo quy định tại Khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.” Nếu chồng bạn không trả nợ thì ngân hàng có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu chồng bạn trả nợ, nếu chồng bạn vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế trả nợ.

 

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc ngân hàng để lọt hồ sơ vay vốn giả sẽ bị xử lý như thế nào do đó trong trường hợp này, việc xử lý đối với việc để lọt hồ sơ này hoàn toàn phụ thuộc vào quy định xử lý riêng trong nội bộ ngân hàng.

 

Thứ hai, với vấn đề gia hạn thanh toán nợ

 

Pháp luật hiện hành tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên do đó trong trường hợp của bạn nếu bạn thỏa thuận với bên ngân hàng về vấn đề gia hạn thời gian trả nợ trong một khoảng thời gian và vẫn có đóng lãi mà được ngân hàng đồng ý thì bạn hoàn toàn có thể trả khoản nợ theo sự thỏa thuận của các bên.

 

Thứ ba, với vấn đề giá trị của cổ phiếu

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì ngân hàng mà chồng bạn mua cổ phiếu đã phá sản và bị ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng nên trong trường hợp này ngân hàng Nhà nước sẽ là chủ sở hữu với 100% vốn điều lệ, tài sản của ngân hàng đó đã không còn do vậy cổ phiếu tại ngân hàng đó cũng không còn giá trị. Khi chồng bạn mua cổ phiếu của công ty hay ngân hàng mà công ty hay ngân hàng đó làm ăn thua lỗ thì đây được xác định là rủi ro trong quá trình đầu tư, công ty hay ngân hàng phát hành cổ phiếu không bắt buộc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi có thiệt hại xảy ra.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo