Hoàng Tuấn Anh

Làm gì khi vay tín chấp đã quá hạn nhưng không có khả năng thanh toán?

Trong trường hợp bên vay tiền không có khả năng thanh toán nợ thì bị xử lý như thế nào? Bên vay có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Giao dịch vay tài sản hiện nay đang là một trong những giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Trên thực tế thực hiện hợp đồng vay tài sản, các bên thường phát sinh tranh chấp liên quan đến các vấn đề như chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, mất khả năng thanh toán nợ,… Trong những trường hợp như vậy, các bên trong giao dịch dân sự thường gặp phải lúng túng khi xử lý các vấn đề để bảo vệ quyền lợi của mình; đồng thời còn nhiều người có quan niệm “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế dẫn đến việc không đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình phù hợp.

Do đó, nếu bạn đang có vướng mắc liên quan đến vấn đề này, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn cách xử lý khi mất khả năng thanh toán nợ

Câu hỏi: Kính gửi công ty Luật minh Gia! Tôi là một khách hàng vay tín dụng của công ty prudential. Lần đầu tôi vay 55 triệu và đã đóng đầy đủ còn 15 triệu. sau được công ty cho vay tiếp lần hai 50 triệu và trừ gốc lần 1 đi 15 triệu nhận về 35 triệu. Nhưng vẫn tính số tiền vay là 50 triệu. hàng tháng tôi thanh toán đầy đủ, có tháng chậm vài hôm tôi cũng đóng phạt chậm đầy đủ. Nhưng cách đây 3 năm do gia đình gặp sự cố, tôi không có việc làm nữa, chồng tôi bbị thần kinh và phải ly hôn để chồng về ở với bố mẹ đẻ chăm sóc. Một mình tôi nuôi con nhỏ ăn học lại không có việc. tôi đi thuê nhà và đi làm thêm đủ việc để lo cho con. Nên tôi không có khả năng đóng tiếp khoản còn lại. Tại thời điểm tôi không có khả năng thanh toán nữa là gốc còn 35 triệu, mấy lần công ty gọi nhắc tôi đóng nhưng tôi đã trình bày hoàn cảnh gia đình là hiện giờ ko có khả năng đóng, cho tôi thời gian lúc nào có tôi sẽ thanh toán tiếp. Nhưng hiện giờ công ty lại gửi ủy quyền cho một cty luật xử lý để khởi kiện nếu tôi không thanh toán. Và ghi vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ số gốc còn lại 35 triệu mà giờ công ty tính lên gần 68 triêu. Xin hỏi Luật sư bây giờ tôi không có khả năng thanh toán số tiền mà cty đưa ra. nếu khởi kiện thì tôi chịu hình phạt như thế nào? Bây giờ tôi đang thuê nhà, việc không có, tài sản không có gì để thế chấp và đang nuôi con nhỏ. Mong luật sự giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 345 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hình thức, nội dung tín chấp như sau:

“Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp.”

Hợp đồng vay tín dụng giữa bạn và prudential được coi là hợp đồng vay tài sản có kì hạn và có lãi theo quy định tại Điều 463 BLDS 2015 về hợp đồng vay tài sản:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Vì vậy khi hợp đồng vay đến hạn thì bạn có nghĩa vụ phải trả nợ theo quy định tại Điều 474 BLDS 2005 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, nếu đến hạn mà bạn vẫn không trả được nợ thì bên cho vay có quyền kiện bạn lên cơ quan tòa án để đòi lại số tiền cho vay và khoản lãi mà bạn phải chịu. Sau khi đã có quyết định yêu cầu bạn trả lại số tiền mà bạn không trả lại đầy đủ số tiền thì sẽ bị cưỡng chế thi hành bao gồm việc cưỡng chế về cả tài sản như nhà cửa, đất đai. Trường hợp này tòa án có thể sẽ tịch thu nhà cửa, đất đai của bạn nhưng có cân nhắc đến các điều kiện là hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo