Vũ Thanh Thủy

Kỷ luật cách chức Đảng viên vi phạm

Đảng viên A vi phạm kỷ luật thời điểm năm 2013; ở thời điểm này là chi uỷ viên chi bộ trực thuộc Huyện uỷ. Đến năm 2015 mới phát hiện vi phạm, lúc này không còn là chi uỷ viên. Ban Thường vụ Huyện uỷ ra quyết định thi hành kỷ luật cách chức nguyên chi uỷ viên chi bộ do thời điểm vi phạm là chi uỷ viên. Hỏi vậy có đúng theo các quy định văn bản của Trung ương không? Nếu cách chức ở thời điểm đó thì việc các quyết định bằng cách bỏ phiếu của đảng viên vi phạm này có huỷ bỏ không?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về quyết định kỷ luật

Điều 40 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam quy định:

1. Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.
2. Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, cấp uỷ cấp trên trực tiếp lập tổ chức đảng mới hoặc giới thiệu sinh hoạt đảng cho số đảng viên còn lại.
3. Đảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp uỷ, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
4. Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.”

Như vậy cách chức là một hình thức kỷ luật được ghi nhận trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đó trình tự khiếu nại và việc thực hiện được quy định chi tiết tại Điều 39 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức khi phát hiện ra có vi phạm là đúng với quy định của văn bản Trung Ương.

Điều 39:
1. Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật.

2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên quyết định.

3. Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến.

4. Quyết định của cấp dưới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.

5. Quyết định của cấp trên về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải được thông báo đến cấp dưới, nơi có tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; trường hợp cần thông báo rộng hơn thì do cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.

6. Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.

7. Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật, thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

8. Khi nhận khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết; chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương, sáu tháng đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại, phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết.

9. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kỷ luật.”

Khoản 4 Điều 2 Quy định số 181-QĐ/TW xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm cũng ghi nhận cách chức là một hình thức kỷ luật Đảng viên vi phạm:
 “Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

4. Các hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.”

Hình thức kỷ luật cách chức thường được đưa ra trong trường hợp đã bị xử lý kỷ luật khiển trách do hành vi có hậu quả ít nghiêm trọng trước đó mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp trong Quy định. Điều này được ghi nhận trong văn bản Quy định số 181-QĐ/TW xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.

2. Về quyết định không tham gia bỏ phiếu để đóng góp quyết định của Đảng viên vi phạm

Khoản 3,4 Điều 40 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam quy định:

3. Đảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp uỷ, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.

4. Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, việc đình chỉ hoạt động bỏ phiếu đóng góp quyết định của Đảng viên vi phạm sẽ do cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Kỷ luật cách chức Đảng viên vi phạm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
CV Nguyễn Tuấn Hải - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo