Nguyễn Thu Trang

Không thực hiện được nghĩa vụ không phải do lỗi của các bên có phải bồi thường thiệt hại không ?

Pháp luật dân sự quy định, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rất cụ thể về trường hợp bồi thường thiệt hại khi không thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trong các hình thức trách nhiệm dân sự trong hợp đồng dân sự thì bồi thường thiệt hại hợp đồng là hình thức trách nhiệm thông dụng nhất. Đây là hình thức trách nhiệm dân sự do các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng, nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Thực tế giao kết hợp đồng dân sự hiện nay, hầu hết đều có thỏa thuận bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận về các điều khoản này như thế nào để đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không phải ai cũng biết. Một số quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 có đề cập đến những nội dung này. Đặc biệt vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng do những nguyên nhân khách quan mà không phải do lỗi chủ quan của các bên như thế nào cần nắm chắc các quy định của pháp luật dân sự.

Nếu bạn đang gặp tranh chấp về vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ nhưng do yếu tố khách quan mà chưa có phương án xử lý, hãy liên hệ Luật Minh Gia qua tổng đài 1900.6169 hoặc email lienhe@luatminhgia.vn để chúng tôi tư vấn, giải đáp cho bạn. Bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn về trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng do có đối tượng phá hoại, đã nhiều lần ngăn cản và yêu cầu bên yêu cầu thực hiện hợp đồng xử lý nhưng không có kết quả, bên yêu cầu thực hiện hợp đồng đòi bồi thường thiệt hại sau đây để hiểu thêm về vấn đề đòi bồi thường.

2. Tư vấn về trường hợp bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ nhưng không do lỗi của các bên

Câu hỏi: Kính gửi văn phòng luật Minh Gia.Tôi có vấn đề liên quan đến luật lao động, cần được luật sư tư vấn như sau:

Ba của tôi (bên B) là nhân viên của công ty A (bên A).

- Năm 2011, bên B có ký hợp đồng ký trồng & chăm sóc rừng với bên A với diện tích là 30.9 ha. Kinh phí dự kiến là hơn 330 triệu.

- Bên A đã ứng cho bên B là 193.211.200 đồng để thực hiện các công đoạn trồng và chăm sóc rừng (thuê nhân công, mua giống, xử lý thực bì, cuốc hố, trồng, trồng dặm, ...)

- Trong quá trình thực hiện, bên B đã thực hiện đúng theo hướng dẫn (trong hợp đồng nguyên tắc) của bên A (có biên bản xác minh của bên A).

- Diện tích đã xác minh là 27.2 ha (chất lượng đạt yêu cầu)

- Trong thời gian đang thực hiện hợp đồng, có nhiều đối tượng có hành vi phá hoại rừng mới trồng (nhổ bỏ cây trồng, chặt phá cây giống, dùng thuốc xịt cỏ để phun cho cây chết, ...) dẫn đến việc rừng trồng bị chết hoàn toàn trên diện tích 13.4 ha- Bên B đã cố gắng khắc phục bằng nhiều biện pháp như: tổ chức ngăn chặn, trồng lại, rải hạt, ... nhưng vẫn bị phá.

- Bên B đã báo cáo nhiều lần cho bên A qua các buổi họp giao ban, có bắt được đối tượng giao cho bên A nhưng bên A không xử lý được, dẫn đến việc phá hoại tiếp tục  tiếp diễn. Trước tình hình phức tạp, bên B đã nhiều lần đề nghị bên A thanh lý hợp đồng vào các năm 2011, 2015 nhưng bên A chưa giải quyết. Nay (năm 2017), bên A mời bên B ra giải quyết hợp đồng như sau: yêu cầu bên B "hoàn trả số tiền đã đầu tư, tạm ứng trồng rừng không thành là: 193.211.200 đồng (Một trăm chín mươi ba triệu, hai trăm mười một ngàn, hai trăm đồng )" Vậy việc bên A yêu cầu bên B bồi thường như vậy là có đúng luật hay không? Tài liệu về hợp đồng và các biên bản xác minh được đính kèm trong file, mong luật sư xem xét. Cảm ơn luật sư đã dành thời gian tư vấn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

* Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự như sau:

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”

Theo đó thì trong trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Đồng thời, các bên có thể thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.” 

* Trong trường hợp này, hợp đồng giữa bên A và bên B là hợp đồng song vụ. Khoản 1 Điều 402 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng song vụ như sau:

“1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.”

Theo đó, bên B có nghĩa vụ trồng và chăm sóc 30,9 ha rừng; bên A có nghĩa vụ thanh toán 330 triệu tiền kinh phí cho bên B. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, có nhiều đối tượng thực hiện hành vi phá hoại rừng mới trồng khiến cho bên B không thể thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ với bên A mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn cũng như bắt được đối tượng phá hoại và giao cho bên A xử lý nhưng bên A cũng không xử lý được. Thiệt hại này xảy ra không do lỗi của các bên, do đó:

Căn cứ theo Điều 414 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

“ Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình…”

Theo đó thì bên B không thực hiện được nghĩa vụ của mình nhưng không phải do lỗi của bên B và đã nhiều lần áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không có kết quả thì bên A không có quyền yêu cầu bên B thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Và bên A sẽ phải thanh toán tiền tương ứng với nghĩa vụ của bên A đối với bên B nghĩa là thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện là 27,2 ha.

Do đó, ba bạn không có lỗi trong việc không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ và đã tìm nhiều cách để khắc phục nhưng không giải quyết được nên ba bạn không phải bồi thường thiệt hại, bên A không có quyền yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo