LS Việt Dũng

Không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông thì làm thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông theo pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

 

Cháu tôi có lái chiếc xe ô tô gây tai nạn giao thông hậu quả : làm cho 4 cháu khác bị nạn : một cháu gãy xương đùi, một cháu gãy hai xương đùi, một cháu gãy tay và thương ở mắt cá chân, còn một cháu bị thương nhẹ . Gia đình tôi ngay lập tực có mặt và đưa các cháu đi cấp cứu cho đến nay các cháu đã ra viện toàn bộ viện phí gia đình tôi đã chi chả. Hiện tại gia đinh rất khó khăn và đã thương lượng được với ba gia đình về việc thông nhất giải quyết theo tình cảm và số tiền bồi thường. Còn một cháu gãy hai đùi phía gia đình bị nạn đã đòi khoản bồi thường vượt quá khả năng của gia đình tôi là 300 triệu. Gia đình tôi cố gắng làm hết khả năng và mong gia đình cháu bé gãy 2 đùi thông cảm và giúp đỡ để gia đình tôi bồi thương 170 triệu đồng nhưng gia đình đó không đồng ý và nếu không họ sẽ đưa ra phát luật. Xin luật sư tư vấn giúp gia đình chúng tôi. Cháu nhà tôi có bằng lái và mới xuất ngũ xong và chưa có công ăn việc làm nên rất khó khăn rât mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

 Vì cháu bạn đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của 4 người cho nên có căn cứ để bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:

 

"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."

 …

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Đồng thời khi đã xác định được thiệt hại thì xác định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

 

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

...

 

Do đó nếu trong thời điểm hiện tại hai bên thỏa thuận về mức bồi thường thì thực hiện theo sự thỏa thuận của 2 bên, trường hợp nếu như  thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình thì có thể được giảm mức bồi thường. Theo thông tin bạn cung cấp cháu bạn mới xuất ngũ xong và chưa có công ăn việc làm, tuy nhiên cũng cần xác định về tài sản thuộc sở hữu của cháu bạn, nếu có tài sản thì buộc phải xử lý tài sản để thực hiện bồi thường còn nếu tại thời điểm này tài sản không có hoặc đã xử lý hết để bồi thường và thiệt hại là quá lớn so với khả năng kinh tế của cháu bạn thì có thể được giảm mức bồi thường.

 

Tốt hơn hết bên gia đình bạn nên thỏa thuận lại về vấn đề bồi thường, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nhân dân để giải quyết . Ngoài ra nếu trường hợp cháu bạn vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về sức khỏe cho người kia thì khi này truy cứu trách nhiệm hình sự và dựa vào tỉ lệ thương tật của 4 người để xác định khung hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. 

 

Về trách nhiệm hình sự khi gây ra tai nạn giao thông chúng tôi đã tư vấn trong vụ việc tương tự bạn có thể tham khảo trong bài viết sau đây : 

Xử lý trách nhiệm với người gây tai nạn giao thông?

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Hà Tuyền. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo