Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Không lập biên bản tai nạn giao thông có thể yêu cầu bồi thường được không?

Tư vấn trường hợp xảy ra tai nạn giao thông nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền và thỏa thuận bồi thường bằng miệng. Khi xảy ra tranh chấp có căn cứ để yêu cầu bồi thường không? Nội dung tư vấn như sau:

Nhu cầu đi lại, tham gia giao thông là một trong những nhu cầu chủ yếu của con người. Hiện nay, trên thực tế số lượng các vụ tai nạn giao thông diễn ra ngày càng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến tài sản và tính mạng. Khi tai nạn giao thông xảy ra sẽ phát sinh các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong nhiều trường hợp còn phát sinh trách nhiệm hình sự. Để được tư vấn cụ thể các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hình sự trong vụ tai nạn giao thông quý khách có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như:

- Đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng tại số 218 (dãy sau) Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội;

- Luật sư tư vấn qua điện thoại;

- Gửi nội dung tư vấn qua Email tư vấn.

Công ty Luật Minh Gia với đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ quý khách giải đáp các vấn đề mình đang vướng mắc.

Nội dung câu hỏi: Xin chào luật sư tôi có câu hỏi nhờ luật sư giúp đỡ. Anh tôi đi xe máy bị tai nạn giao thông với 1 xe ô tô tải kết quả anh tôi bị gẫy tay chi phí phẫu thuật và viện phí mất 50 triệu. Bên xe tải nhận hết lỗi sai về mình và thỏa thuận bồi thường thiệt hại toàn bộ nhưng bên anh tôi vì lí do quen biết sơ qua nên không lập biên bản bồi thường mà chỉ thỏa thuận bằng miệng và hứa khi về viện sẽ thanh toán hết tiền chữa trị. Khi về viện anh tôi gọi điện bảo họ bồi thường thị họ bảo không gây tai nạn không biết. Tôi có chụp hiện trường nhưng không rõ biển số vậy tôi hỏi luật sư tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn luật sư rất nhiều. 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Điều 1 Mục I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

“1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.

1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.”

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên việc yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra và có lỗi của người gây thiệt hại.

Với trường hợp của gia đình bạn, đã có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm quy định giao thông và hành vi này gây thiệt hại cho anh bạn. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì tại thời điểm xảy ra tai nạn giao thông các bên không mời cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết, thỏa thuận bồi thường thiệt hại cũng do hai bên tự thỏa thuận bằng miệng, do đó nếu trường hợp này gia đình bạn không chứng minh cụ thể được hành vi gây tai nạn của bên xe ô tô tải thì chưa đủ căn cứ để yêu cầu bồi thường đối với trường hợp này. Trong trường hợp này, gia đình bạn cần xem xét tại thời điểm xảy ra tai nạn có camera ghi lại nội dung sự việc hoặc có người chứng kiến vụ va chạm hay không để làm căn cứ xác định bên xe tải có hành vi gây tai nạn và yêu cầu bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo