Nông Bá Khu

Không giao sổ đỏ để thực hiện chia thừa kế giải quyết thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp đất của ông nội sau khi mất chia thừa kế như thế nào và hiện một người đang giữ sổ đỏ không chịu trả lại thì làm thế nào? Cụ thể như sau:


Em có một vấn đề như sau mong luật sư tư vấn giúp em ạ: mảnh đất hiện giờ nhà em ở có hai hộ là nhà em và nhà chú út. Mảnh đất này đứng tên ông nội em ,hiện ông đã mất cách đây mười 18 năm. Trước khi mất ông nội có cho chú thứ hai một mảnh đất khác để xây nhà còn mảnh đất ông nội là nhà em với nhà chú út ở nhưng chưa có giấy tờ liên quan. Lúc đó chú thứ hai đã mượn sổ đỏ đứng tên ông nội vay tiền. Hiện giờ nhà em muốn lấy lại sổ đỏ để sang tên nhưng chú ko trả, đòi bồi thường tiền hay chia đất cho chú ấy. Em muốn hỏi ? Em làm thế nào để lấy lại sổ đỏ ? -ông nội em có 6 người con nhưng một người đã mất, khi chia đất có được chia đều cho 6 người không ạ? chú ấy đòi bồi thường có đúng ko ạ (ông nội đã cho chú ấy một mảnh đất khác rồi) -Liệu em có được khởi kiện chú ấy khi chú cứ khư khư không trả sổ và chi phí khởi kiện ai sẽ chịu ạ?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì trước khi ông nội bạn mất có cho chú thứ hai một mảnh đất khác để xây nhà còn mảnh đất ông nội là nhà bạn với nhà chú út ở nhưng chưa có giấy tờ liên quan, vậy nên chúng tôi chưa rõ rằng việc nhà bạn với nhà chú út ở trên mảnh đất của ông nội bạn là hiện thực lúc đó mọi người ở như vậy hay đó là ý định của ông nội bạn sẽ để lại cho nhà bạn và nhà chú út sau khi mất. Vậy nên chúng tôi chia ra 2 trường hợp:

 

+ Trường hợp nhà bạn và nhà chú út ở trên mảnh đất của ông nội bạn là hiện thực lúc đó chứ ông bạn chưa có ý định nói sẽ chia mảnh đất đó cho nhà bạn và nhà chú bạn: Trong trường hợp này sẽ được xác định là ông nội bạn mất không để lại di chúc nên việc chia mảnh đất đó sẽ được chia theo pháp luật căn cứ theo  Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015:

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 về phân chia di sản theo pháp luật:

 

1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

 

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.”

 

Như vậy, do ông nội của bạn không để lại di chúc nên mảnh đất đó sẽ được chia theo pháp luật và theo quy định sẽ được chia đều cho cả sáu người con của ông. Việc chú thứ hai của bạn trước đó đã được ông nội bạn cho 1 mảnh đất khác để xây nhà cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc được hưởng thừa kế tiếp theo pháp luật đối với mảnh đất này. Vậy nên người chú thứ hai này vẫn sẽ được hưởng 1 phần trong mảnh đất đó, cho nên yêu cầu đòi bồi thường của chú bạn là phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu như gia đình bạn muốn lấy lại sổ đỏ thì có thể thỏa thuận với người chú đó về việc sẽ chi trả 1 khoản tiền tương xứng với phần đất mà người chú đó sẽ được hưởng thừa kế để lấy lại sổ đỏ.

 

+ Trường hợp đó là ý của ông nội bạn sẽ để lại mảnh đất đó cho nhà bạn và nhà chú út, thì đây sẽ được coi là di chúc miệng nếu đáp ứng được các điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp theo Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015

 

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Nếu bạn chứng minh được việc sử dụng mảnh đất đó của nhà bạn và nhà chú út là theo như di chúc miệng của ông nội bạn khi còn sống (bạn chứng minh là khi ông để lại di chúc có ít nhất 2 người làm chứng và đã được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận) thì trường hợp này người chú thứ hai của bạn sẽ không được hưởng phần mảnh đất đó, vậy nên gia đình bạn có quyền yêu cầu người chú thứ hai đó trả lại sổ đỏ. Nếu người chú thứ hai không chịu trả lại sổ đỏ cho gia đình bạn thì gia đình bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện.

 

Về án phí trong trường hợp khởi kiện ra tòa căn cứ theo Khoản 2 Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

 

Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.”

 

Khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

 

“Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.”

 

Như vậy, trước hết nếu khởi kiện ra tòa thì gia đình bạn sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí, còn sau khi kết thúc vụ kiện mà tòa án xử cho gia đình bạn thắng kiện và lấy lại được sổ đỏ thì khi đó nghĩa vụ chịu án phí sẽ thuộc về người chú thứ hai của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Thu Hoài - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo