Trần Phương Hà

Không được thanh toán tiền theo sự thỏa thuận thì giải quyết thế nào

Luật sư tư vấn về việc cùng góp vốn mở công ty nhưng không được thanh toán tiền.Nội dung tư vấn như sau

Nội dung câu hỏi:Ba mẹ tôi có góp vốn 60 triệu làm ăn với ông Q  hơn 1 tỷ là họ hàng cùng một vài anh em họ hàng góp thêm lập ra công ty T. Trong khoảng 2 năm ba tôi làm cho công ty T thì ông Q không hề rõ ràng trong việc trả lương theo đúng mức mà ông Q đã đề ra là 9 triệu 1 tháng chưa tính tiền cổ phần, vài tháng ông Q trả lương 2 triệu vài tháng ông Q không hề trả lương. Hơn nữa ông Q còn xúc phạm đến nhân phẩm của ba tôi. Sau đó vì ông Q không trả lương ba tôi không thể làm việc tiếp vì không đủ để nuôi gia đình nên nghỉ việc. Ông Q không hề trả tiền lương mà còn vu khống ba tôi nợ ông Q 100 triệu. Giờ nhà tôi khốn đốn không biết làm sao. Mong được quý luật sư giúp đỡ

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau

 

Theo thông tin bạn đưa ra, bố bạn có góp vốn để thành lập công ty với ông Q và một vài người khác và bố bạn còn là người lao động làm việc cho ông Q. Giữa bố bạn và ông Q có hai mối quan hệ: Quan hệ góp vốn hợp tác và quan hệ hợp đồng lao động. 

 

* Đối với quan hệ góp vốn:

 

Trong trường hợp này bạn cần xác định rõ việc bố bạn góp 60 triệu cùng với ông Q và các thành viên khác để thành lập công ty T có thông qua hợp đồng góp vốn hay không và việc thỏa thuận phân chia lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh được thỏa thuận như thế nào. Khi đó, việc phân chia sẽ dựa trên sự thỏa thuận của các bên, nếu hợp đồng thỏa thuận ông Q có trách nhiệm thanh toán lợi nhuận tương với phần vốn góp của bạn nhưng không thực hiện thì bạn có quyền yêu cầu ông Q thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp yêu cầu không được đáp ứng thỏa đáng thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện trực tiếp ra Tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cuả mình. Căn cứ để yêu cầu để ông Q thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền cho bố bạn theo Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 275. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

 

Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

 

1. Hợp đồng.

 

2. Hành vi pháp lý đơn phương.

 

3. Thực hiện công việc không có ủy quyền.

 

4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

 

5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

 

6. Căn cứ khác do pháp luật quy định.''

 

* Đối với mối quan hệ lao động giữa công ty T và bố bạn.

 

Theo nội dung thông tin cung cấp thì giữa bạn và ông Q có thỏa thuận về việc bạn sẽ làm việc trực tiếp cho công ty với mức tiền lương trả hàng tháng 9 triệu đồng. Theo đó, có căn cứ chứng minh đã phát sinh quan hệ lao động. Về nguyên tắc thanh toán tiền lương thì căn cứ theo Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP . Cụ thể

 

"Điều 24. Nguyên tắc trả lương 

 

1. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. 

 

2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau: 

 

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm; 

 

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương."

 

Như vậy, khi có căn cứ chứng minh việc thỏa thuận mức lương 9 triệu nhưng công ty T, trong đó ông Q là người chịu trách nhiệm thanh toán nhưng không thực hiện thì bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận ( huyện) để yêu cầu thanh toán khoản tiền lương còn nợ.

 

Liên quan tới việc ông Q nếu có yêu cầu bố bạn trả số nợ 100 triệu đồng thì ông Q phải có căn cứ chứng minh là bố bạn có nợ số tiền này của Q.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương hà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo