Vũ Thanh Thủy

Không chịu giao hàng có cấu thành tội lừa đảo

Tư vấn về trường hợp bên bán không chịu giao hàng hóa như đã thỏa thuận có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin chào Luật sư. Xin Luật sư cho tôi lời khuyên về trường hợp của tôi là: Tôi hiện đạng là 1 lao động ở Hàn Quốc, vào 9-11-2017 tôi có đặt mua 2 hộp thục phẩm chức năng của 1 bạn ở VN với tổng số tiền là 3729.000 đ (ba triệu bảy trăm hai chín nghìn) tương đương 186. 000 won. (một trăm tám mươi sáu nghìn Won) thời điểm lúc đó. Tôi đã chuyển và Tài khoản Bạn của Bạn ý bên HQ với 186000won, Và bạn ý có chụp lại hóa đơn chuyển   hàng gửi lại cho tôi. Nhưng tới nay bạn ý vẫn chưa giao được hàng cho tôi. Tôi liên tục hỏi lý do thì bạn ý kêu do hải quan VN không cho qua vì mác lỗi có vật lạ, tôi yêu cầu không có hàng thì trả lại tiền, nhưng bạn ý nói chờ cty có hàng mới về thì bạn ý gửi thay, tôi có hỏi bao giờ có hàng mới thì bạn ý cũng chỉ bảo chờ thôi, tôi bảo chờ 5 năm hay 10  năm cũng phải chờ à thì bạn ý ko nói gì. Vậy tôi phải làm thế nào xin Luật sư giúp đỡ. Cảm ơn Luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn và người ở Việt Nam có giao kết với nhau về mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi bạn chuyển tền cho người này thì không nhận được hàng luôn với lý do hải quan không cho qua vì mắc lỗi và bạn đã yêu cầu nhiều lần giao hàng mà bên đó chỉ hứa có hàng sẽ giao cho bạn mà không thông báo thời gian cụ thể. Do đó, cần xem xét hành vi của người bán hàng có cấu thành tội lừa đảo hay không?

 

Thứ nhất, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

..."

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

 

Như vậy, người Việt Nam đó phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) không có hàng hóa bán cho bạn nhưng hứa hẹn, đưa ra những thông tin giả làm cho bạn tin đó là thật và giao tài sản cho người này thì mới cấu thành tội trên.

 

Thứ hai, giải quyết theo bộ luật dân sự

 

Trong trường hợp không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn sẽ xem xét và giải quyết theo hướng dân sự, cụ thể:

 

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

 

Căn cứ theo Điều 434 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

 

"Điều 434. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán

 

1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

 

2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

 

3. Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản."

 

Trong trường hợp này thì phía bên kia không giao hàng theo đúng như thời hạn đã thỏa thuận thì khi đó người Việt Nam này phải chịu trách nhiệm khi vi phạm nghĩa vụ dân sự theo Điều 351 Bộ luật dân sự 2015:

 

"Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

 

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

 

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

 

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền."

 

Căn cứ vào các quy định trên thì nếu bên người Việt Nam không giao hàng đúng thời điểm các bên đã thỏa thuận thì bên bán phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bạn: tiếp tục thực hiện nghĩa giao hàng hóa hoặc trả tiền và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo