LS Nguyễn Thùy Dương

Không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu tiền? Khiếu nại thế nào?

Kể từ năm 2007 đến nay, người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. Việc đội mũ bảo hiểm nhằm mục đích có vai trò to lớn trong việc đảm bảo an toàn của người tham gia giao thông, giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra, đặc biệt là giảm số ca tử vong do chấn thương sọ não.

Tuy nhiên, có nhiều người còn chủ quan, coi thường việc đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng và không có ý thức đội mũ bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho bản thân. Để giáo dục, răn đe và nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông, Nhà nước đã đặt ra các biện pháp xử lý, chế tài để xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm.

1. Không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu?

Từ ngày 01/01/2022, hành vi không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

*Đối với người điều khiển phương tiện:

- Điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP bổ sung thêm điểm n, điểm o vào sau Điểm m Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi không đội mũ bảo hiểm và chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:

b) Bổ sung điểm n, điểm o vào sau Điểm m Khoản 3 Điều 6 như sau:

“n) Không đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' hoặc đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

o) Chở người ngồi trên xe không đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' hoặc đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.”;

- Điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP bổ sung thêm điểm đ, điểm e vào sau Điểm d Khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm và chở người không đội mũ bảo hiểm với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:

“đ) Người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' hoặc đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

e) Chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' hoặc đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.”.

*Đối với người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) thực hiện một trong các hành vi Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. (Khoản 6 Điều 11 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 2 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

2. Khiếu nại về việc xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Khi xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền sẽ ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Cụ thể, Luật Khiếu nại 2011 quy định về việc khiếu nại như sau:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, khi không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân/tổ chức bị xử phạt có quyền nộp đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp (người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, nội dung đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Trả lời câu hỏi tư vấn

Câu hỏi: Khi lưu thông trên đường bằng xe máy tôi có gặp tổ tuần tra của CSGT và được họ yêu cầu dừng xe nhưng tôi bỏ chạy và bị bắt lại. Khi lập biên bản thì CSGT ghi tôi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ + không đội mũ bảo hiểm (giấy tờ tôi đủ) và tôi bị giữ xe.

Hỏi như lỗi trên tôi bị xử phạt bao nhiêu theo tôi biết thì khoảng 500 - 600 ngàn nhưng các anh CSGT nói 3 triệu và truy xét trách nhiệm hình sự (không gây tai nạn). Vậy tôi mong luật sư tư vấn giúp tôi quy định trường hợp này tôi nên làm thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với từng hành vi như sau:

- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ: 

Đối với người điều khiển, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi “g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông” và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. (Điểm g Khoản 4, Điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

- Hành vi không đội mũ bảo hiểm:

Điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP bổ sung thêm điểm n vào sau Điểm m Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi Không đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' hoặc đội ''mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'' không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ với mức phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:

Như vậy tổng hợp mức phạt tiền của bạn với hai hành vi vi phạm nêu trên chưa đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, phía CSGT chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu rõ mức phạt, nên bạn có thể chờ khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu thấy việc xử phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu đến người ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật khiếu nại 2011.

Theo thông tin bạn cung cấp, Luật Minh Gia nhận thấy việc xử lý hình sự đối với hành vi của bạn là chưa đủ cơ sở.

Lưu ý: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày bạn nhận được quyết định hành chính. Trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo