LS Hồng Nhung

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì xử lý như thế nào? Nếu kèm theo hình ảnh là những thông tin không đúng sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì người bị xâm phạm có thể khởi kiện không? Căn cứ để khởi kiện theo quy định của luật nào? Và mức phạt của người có hành vi vi phạm ở đây là như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư! Tôi muốn tư vấn về việc đăng hình người khác lên facebook rồi sử dụng từ ngữ không hay lăng mạ người khác. Cách đây 3 tháng nhà tôi có giải phóng mặt bằng để xây nhà mới và có phá bờ tường để lấy mặt bằng do bờ tường đó xây lên đất nhà tôi. Khi phá xong cả nhà họ ra nói nhà tôi rồi mọi người điều qua tiếng lại và con gái nhà họ quay clip lại rồi tung lên facebook đăng kèm những lời nói không đúng sự thật và nhắc cả tên bố mẹ, ông bà tôi lên trang facbook cá nhân của họ bên phía nhà tôi không nói gì và bỏ qua sau đó ngày 18/5 người nhà họ liên tục đứng bên cạnh nhà tôi chửi bới và nhục mạ bên gia đình nhà tôi, gia đình nhà tôi đã không nói gì và bỏ qua, đến ngày 20/5 do người nhà tôi ra bảo người chửi là không chửi nữa nhưng họ có túm tay mẹ tôi và tự ngã xuống sau đó con trai họ quay clip lại và cả những người trong nhà họ tung lên mạng xã hội facebook lăng mạ dùng những từ ngữ thô tục để nói mẹ tôi.

Vậy tôi có thể kiện họ tội nhục mạ người khác trên mạng xã hội không? Những người bình luận dùng từ ngữ lăng mạ có phải chịu hình phạt gì không?Và nếu kiện thì có thông tư nào không. Hãy tư vẫn giúp tôi. Tôi cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, vấn đề khởi kiện người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội:

 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và không ai được phép sử dụng hình ảnh đó nếu không được sự cho phép của cá nhân:

 

“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

 

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

 

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

 

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

 

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

 

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

 

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

 

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

 

Và căn cứ theo thông tin mà bạn đã cung cấp, nếu gia đình hàng xóm đăng lên mạng xã hội hình ảnh, video chứa đựng thông tin không đúng sự thật và có sử dụng những ngôn từ nhằm lăng mạ, làm nhục người thân của bạn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường; gây tổn hại về mặt vật chất lẫn tinh thần của gia đình bạn thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu người có hành vi vi phạm gỡ bỏ hình ảnh, đăng thông tin cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Theo đó, việc khởi kiện là có căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

 

“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

...

6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

...”

Mức bồi thường và các khoản bồi thường trên thực tế được thực hiện theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

 

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Thứ hai, xử lý người có hành vi vi phạm:

 

Đối với những người có hành vi vi phạm, nếu hành vi của họ có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử lý về hình sự:

 

“Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với 02 người trở lên;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

 

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 

a) Vì động cơ đê hèn;

 

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Làm nạn nhân tự sát.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 

Trường hợp hành vi vi phạm của họ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì những người có hành vi vi phạm vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện:

 

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đống đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

...”

Vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình gia đình bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan điều tra công an quận/huyện theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”

 

Căn cứ vào tin báo, tố giác tội phạm của bạn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Theo đó, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người có hành vi vi phạm. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra công an quận/huyện có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 4 Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP:

 

“Điều 97. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân

....

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin có quyền:

 

a) Phạt cảnh cáo;

 

b) Phạt tiền không vượt quá 40.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bưu chính mức phạt tiền không vượt quá 16.000.000 đồng;

 

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

 

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

 

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

....”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo