Lại Thị Nhật Lệ

Khởi kiện hợp đồng vay tài sản và hợp đồng đặt cọc.

Chồng tôi có vay số tiền 20 triệu đồng và hàng tháng phải trả lãi suất 6 %/ tháng kèm theo một hợp đồng sang nhượng đất có GCNQSDĐ đúng tên chồng tôi và mỗi năm thay một hợp đồng tiền đăt cọc khác. Đã trả được 4 năm, năm nay mấy tháng cuối không có tiền trả bắt chồng tôi viết lại hợp đồng đặt cọc là 23 triệu đồng và nêu không bán đất sẽ trả 46 triệu đồng.

 

Tháng 01/2017, cho người đến đòi tiền lãi thì tôi mới biết và có đến gặp bên cho vay, bên đó yêu cầu tôi ký bán đât, tôi đồng ý, thấy tôi đồng ý họ bảo không mua giờ trả tiền cho họ, tôi thỏa thuận họ khoanh nợ lại không thu lãi nữa tôi sẽ trả dần giúp chồng tôi vì mấy năm nay chồng tôi không làm ra đồng nào một mình tôi lo cả gia đình nên không thể trả hết một lần. Thế là ngày 20/2/2017 họ khởi kiện ra tòa và đòi tiền cọc và phạt hợp đồng tổng tiền là 46 trđ. Xin luật sư tư vấn giúp tôi phải xử lý như thế nào và cách thức trình bày ý kiến cho Tòa. Tôi có phải chịu trách nhiệm trả hay không khí số tiền tôi không biết chồng tôi dùng làm gì và cũng không mang tiền về lo gia đình.Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Hợp đồng vay tài sản (vay tiền) là sự thỏa thuận giữa các bên về số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, phương thức thanh toán… Khi đến hạn trả tiền vay mà bên vay không trả theo đúng thỏa thuận thì người cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. 

 

Căn cứ theo Điều 468 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất:

 

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn vay 20 triệu với lãi suất 6% trên một tháng  tương ứng với 72% trên một năm. Mức lãi suất trên đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép (20%). Lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.


Đặt cọc là bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc  một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. 

 

Nếu người đặt cọc đưa cho gia đình bạn 23 triệu đồng là tiền đặt cọc tiền để đảm bảo giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mà sau đó gia đình bạn từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc tổng cộng là 46 triệu đồng. Nếu gia đình bạn đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người kia (thực hiện theo thỏa thuận của hợp đồng đặt cọc) nhưng họ từ chối giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì họ bị mất 23 triệu đồng tiền đã đặt cọc cho bạn (theo điều 328 bộ luật dân sự 2015).

 

Khi bên kia thực hiện khởi kiện ra Tòa án kiện gia đình bạn về trả tiền vay và yêu cầu tiền đặt cọc cũng như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bạn cần căn cứ và nội dung hợp đồng vay, giấy tờ, hóa đơn đã thực hiện trả lãi và các khoản vay trả trước, giấy ghi nhận việc bạn đã nhận tiền đặt cọc v.v.. những giấy tờ có liên quan để đảm bảo quyền lợi của mình. 

 

Căn cứ theo Điều 37 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

 

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

 

Do đó, nếu khoản vay đứng tên hai vợ chồng trên hợp đồng vay thì hai người có trách nhiệm liên đới, cùng phải chịu trách nhiệm trả tiền vay. Nếu chồng bạn một mình thực hiện vay tiền (bạn không đứng tên trên hợp đồng vay) nhưng mục đích chồng bạn vay tiền là để thực hiện nghĩa vụ, nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nếu bạn có căn cứ chứng minh về việc chồng bạn vay tiền là thực hiện mục đích chi tiêu cá nhân thì bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản tiền vay trên.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

CV: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo