Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn về khởi kiện đòi tiền đã cho mượn

Thưa luật sư, gia đình tôi vào ngày 01/07/2010 có cho 1 người bạn mượn 200 triệu đồng (và có giữ của người bạn này 1 sổ đỏ nhà đất do người bạn này đứng tên ), và tiền lãi nhận là 4.5 triệu/ tháng. Gia đình tôi nhận lãi đến hết 07/2012, thì bạn tôi không trả lãi nữa cũng như không hoàn trả tiền gốc.

 

Vì vậy đến thời điểm này 2016, bạn tôi vẫn không trả lại khoản tiền đã mượn và nói rằng sổ đỏ miếng đất mà gia đình tôi đang giữ có trị giá 300 triệu đồng và yêu cầu gia đình tôi lấy sổ đỏ và trả 100tr chênh lệch cho bạn tôi, (hiện tại gia đình tôi chỉ muốn nhận lại số tiền gốc đã cho mượn và không muốn lấy mảnh đất mà bạn tôi yêu cầu dùng để trả nợ ). Tháng 10/2016 gia đình tôi có làm đơn kiện ra toà án về việc bạn tôi không hoàn trả số tiền 200 triệu cho gia đình tôi, nhưng người nhận hồ sơ kiện của bên tôi có tư vấn rằng:

1. Số tiền lãi mà gia đình tôi nhận trước đây, vượt mức cho vay, nên tính tổng ra và kiện gia đình tôi không nhận lại được số tiền gốc là 200tr đã cho mượn. Toà án sẽ tính số tiền lãi mà gia đình tôi đã nhận vượt quá cấn trừ vào phần nợ gốc của gia đình tôi. Nếu thực hiện như vậy gia đình tôi không nhận được số nợ gốc.

2. Thời gian gia đình tôi cho mượn tiền đã quá 02 năm để giải quyết phần tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng (thời điểm hiện tại ), nên số tiền lãi cũng không nhận được khi toà giải quyết đơn kiện của gia đình tôi.

3. Khi nộp bộ hồ sơ kiện, tất cả các giấy tờ (sổ hộ khẩu, giấy mượn tiền,…) liên quan gia đình tôi đều làm theo hướng dẫn trên toà án là nộp giấy photo công chứng. Nhưng bên nhận hồ sơ thụ lý của gia đình tôi yêu cầu gia đình tôi phải đưa bản gốc (giấy mượn tiền viết tay của bạn tôi), thì như vậy có hợp lý không? Vì ban đầu bên toà đã nhận hồ sơ của gia đình tôi rồi nhưng sau đó thì gọi điện yêu cầu gia đình tôi nộp bản gốc giấy mượn tiền của bạn tôi.

Mong luật sư giải đáp giúp tôi những thắc mắc và hướng giải quyết về vấn đề này giúp gia đình tôi. Tôi rất chân thành cảm ơn.

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn về cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, Luật Minh Gia xin được giải đáp như sau:

 

Về vấn đề thứ nhất:

 

Theo Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Vào thời điểm cho vay, lãi suất cơ bản do Ngân hàng công bố tại Quyết định2024/QĐ-NHNN là 7%/năm. 150% của lãi suất cơ bản là 10,5%/năm. Vậy số tiền lãi tối đa là 21 triệu/năm. Gia đình bạn lấy lãi 4,5 triệu/tháng, tức là 54 triệu/năm. Như vậy, tiền lãi đã vượt mức quy định. Người bạn đã trả cho bạn tiền lãi 2 năm, tức là đã trả 108 triệu tiền lãi cùng với khoản tiền trả nợ gốc. Về nguyên tắc, số tiền lãi vượt mức sẽ được trả lại cho bên đi vay. Tuy nhiên trên thực tế, tòa án khi giải quyết vấn đề lãi vượt mức sẽ lấy số tiền vượt mức trừ vào số nợ gốc nhằm đảm bảo quyền lợi của bên cho vay.

 

Về vấn đề thứ hai:

 

Thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn mà gia đình bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Hiện nay, Nghị quyết 103/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định đối với tranh chấp về dân sự phát sinh trước ngày 01/01/2017  sẽ áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi năm 2011). Theo đó, Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 có nội dung như sau:


3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân dân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”

 

Như vậy, nếu bạn khởi kiện đòi số tiền nợ gốc dưới dạng tranh chấp đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tức là nếu bạn khởi kiện thì tòa án vẫn xử lý khoản vay gốc là 200 triệu VNĐ mà người bạn kia vay. Tuy nhiên, tòa sẽ không xử lý về khoản lãi phát sinh, kể cả lãi suất và lãi trả chậm (nếu có) vì đã quá hai năm kể từ ngày bạn biết quyền lợi của mình bị xâm phạm là hết tháng 07/2016 nhưng không khởi kiện đòi lãi. Thêm một điểm cần lưu ý là như đã nêu ở trên, tổng tiền lãi quá mức và số tiền trả nợ gốc có thể vượt 200 triệu nên khi khởi kiện khả năng bạn đòi lại 200 triệu sẽ thấp.       

 

Về việc nộp bản gốc giấy tờ cho tòa án, hiện nay Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không yêu cầu nộp chứng cứ bắt buộc phải là bản sao có chứng thực hay bản chính. Vậy nên khi nộp hồ sơ khởi kiện, bạn chỉ cần giao nộp được chứng cứ ban đầu làm cơ sở cho yêu cầu của mình theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong đó quy định Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý đơn và giải quyết, tòa án có thể yêu cầu bạn cung cấp, bổ sung thêm chứng cứ theo yêu cầu của tòa. Yếu tố bản chính hay bản sao là cơ sở để đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ để làm căn cứ giải quyết tranh chấp theo Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó tài liệu đọc, tức là giấy mượn tiền trong trường hợp này sẽ được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận. Trên thực tế, bản sao chứng cứ không có bản chính đối chiếu sẽ bị coi là không có giá trị chứng minh hoặc bị giảm giá trị chứng minh tại tòa, điều này có thể gây bất lợi cho bên khởi kiện trong quá trình giải quyết. Nếu vẫn chưa chắc chắn, bạn có thể yêu cầu phía tòa án viết giấy biên nhận đã giao nộp bản gốc giấy tờ nhằm tránh giấy tờ chính thức bị thất lạc và các rủi ro phát sinh khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Khởi Kiện đòi tiền đã cho mượn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo