Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Khởi kiện đòi nợ đối với hợp đồng được giao kết bằng hành vi

​Em có làm gia sư cho một gia đình (dạy cho học sinh thi đại học) với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Ban đầu giữa 2 bên không làm 1 hợp đồng nào. Gia đình không trả tiền từng tháng 1 mà dồn vào nhiều tháng để trả 1 lần. Gia đình hứa sẽ thanh toán đầy đủ cho em.Gia đình có thanh toán đúng như lời hứa trong 1 vài lần.Tuy nhiên khi kết thúc khóa học để học sinh đi thi, gia đình vẫn còn nợ 6 tháng chưa thanh toán, tương đương 9 triệu đồng.

 

Gia đình trả trước cho em 2 triệu và nêu lí do rằng hàng hóa chưa bán được nên chưa thể thanh toán hết.Gia đình cũng hứa sẽ thanh toán cho em đầy đủ. Tuy nhiên, học sinh thi không đạt kết quả như mong muốn, nhiều lần em gọi điện thoại để xin tiền học thì gia đình luôn đưa lí do tương tự rằng hàng hóa chưa bán được,chưa có tiền trả và hẹn sẽ thanh toán trong 1, 2 tháng tới. Tuy nhiên đến nay đã 1 năm nhưng gia đình vẫn chưa trả.Giữa mẹ của học sinh và em cũng đã thống nhất rằng việc thi tôt hay không là do sự nỗ lực ,cố gắng của học sinh quyết định. Được biết sau đó, gia đình có nhận tiền của một sinh viên với lí do chạy xin việc nhưng không thành. Gia đình cũng không trả số tiền đó cho sinh viên, sinh viên đó đã kiện gia đình ra công an để đòi lại tiền. Đối với trường hợp của em vì không có hợp đồng, giấy tờ liên quan khi đưa ra pháp luật. Em đã thu âm cuộc gọi giữa em và gia đình. Mong luật sư tư vấn giúp em trong trường hợp này?

 

=> Luật sư tư vấn khởi kiện Dân sự, gọi 1900.6169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại điều 119 Bộ luật dân sự 2015 về hình thức hợp đồng dân sự:

 

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

 

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

 

Do vậy, bạn và gia đình kia tuy không giao kết hợp đồng bằng văn bản nhưng công việc gia sư của bạn không phải là công việc có tính chất thường xuyên, kéo dài nên việc gia sư của bạn không thuộc trường hợp bắt buộc thể hiện bằng văn bản mà có thể giao kết bằng hình thức khác là: lời nói hoặc hành vi. Trong trường hợp này, do bạn đã làm gia sư cho con của gia đình này thời gian và trong thời gian đầu gia đình kia vẫn trả tiền cho bạn như thỏa thuận đã có giữa 2 bên nên hợp đồng được coi là đã được giao kết bằng hành vi cụ thể.

 

Do hợp đồng giữa 2 bên đã được giao kết nên hai bên phải có nghĩa vụ với nhau theo như đã thỏa thuận và tuân thủ theo quy định về hợp đồng song vụ theo quy định tại về điều 410 Bộ luật dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng song vụ:

 

“1. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 411 và Điều 413 của Bộ luật này.

 

2. Trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.”

 

Theo đó, khi bạn làm gia sư cho gia đình này thì họ sẽ có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho bạn theo thỏa thuận giữa các bên. Việc con của gia đình này có thi tốt không phải là điều kiện để phát sinh nghĩa vụ trả tiền cho bạn (điều này đã có sự thỏa thuận giữa 2 bên). Vì vậy trong trường hợp này, bạn có quyền được thanh toán số tiền tương ứng vời thời gian làm việc thực tế. Do đó, trong trường hợp này, bạn nên:

 

Thứ nhất, thỏa thuận trực tiếp với gia đình này về việc trả tiền cho mình.

 

Thứ hai, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi gia đình đó cư trú để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đối với vụ án dân sự thì bạn cần phải cung cấp được những chứng cứ có lợi cho mình gửi kèm với đơn khởi kiện như:

 

- Băng ghi âm.

 

- Tin nhắn xác nhận về việc gia đình này có nghĩa vụ và thừa nhận nghĩa vụ trả tiền đối với vơi bạn.

 

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về xác định chứng cứ thì:

 

“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”

 

Do đó, những tin nhắn, băng ghi âm này chỉ được coi là chứng cứ nếu có sự xác nhận của phía bên kia hoặc có sự xác minh từ phía cơ quan điều tra (khi có yêu cầu) là giọng nói được bạn ghi âm lại đúng là của người kia.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Khởi kiện đòi nợ đối với hợp đồng được giao kết bằng hành vi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo