Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Khởi kiện đòi lại tiền cho vay theo hợp đồng thế chấp QSDĐ thế nào?

Chào luật sư, xin luật sư tư vấn giúp em về việc khởi kiện đòi tiền khi cho vay và thế chấp sổ đỏ như sau: Em có chỗ người em ruột vây 50 triệu thế chấp sổ đỏ và có công chứng giữa tháng 8 năm 2016,là hết kỳ hạn đáo hợp đồng thế chấp sổ đỏ, vì em bận việc nên ko kịp làm hợp đồng đáo hạn lại được, em có gửi giấy tờ thế chấp cho mẹ ruột em giữ hộ.

Và em trai của em đã lừa mẹ em lấy đi cuốn sổ đỏ,và ko muốn trả lại số tiền đã vay có thế chấp sổ đỏ là 50 triệu,giờ em chỉ còn tờ giấy nợ thế chấp sổ mà thôi,xin luật sư tư vấn giúp em,em thành thật cảm ơn luật  sư !

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có ký kế hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với em trai bạn nhằm bảo đảm thực hiện việc trả nợ số tiền 50 triệu mà em bạn đã vay. Hợp đồng thế chấp QSDĐ đã được công chứng nhưng bạn không đề cập đến vấn đề có thực hiện đăng ký giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền hay không. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký thể chấp. Cụ thể:

 

"Điều 10. Hiệu lực của giao dịch bảo đảm

 

1. Giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Các bên có thoả thuận khác;

 

 b) Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố;

 

c) Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp;.."

 

Do đó, nếu Hợp đồng thế chấp giữa bạn và em trai đã được đăng ký thế chấp thì khi em trai bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn thì bạn được áp dụng một trong các phương thức xử lý tài sản theo quy định tại Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

 

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

 

a) Bán đấu giá tài sản;

 

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

 

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

 

d) Phương thức khác.

 

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác."

 

Em trai bạn có trách nhiệm giao tài sản, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho bạn. Nếu em trai bạn chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thuộc quyền quản lý của bạn thì bạn có quyền yêu cầu công an hỗ trợ lấy lại.

 

Trường hợp hợp đồng thế chấp giữa bạn và em trai không thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp thì bạn có quyền nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận(huyện) nơi em trai bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết khi em trai bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn theo thỏa thuận.

 

-----------------

Câu hỏi thứ 2 - Vay tiền không có khả năng trả có phải đi tù không?

 

Chào luật sư. Mẹ em có vay của 3, 4 chủ nợ có giấy tờ viết tay, vẫn trả lãi suất đầy đủ. Nhưng tới thời điểm này vì làm ăn thua lỗ, mẹ em không còn có khả năng chi trả những khoản nợ đó nữa, có thương lượng với bên cho vay là sẽ trả dần, nhưng họ không đồng ý và sẽ thưa kiện ra tòa. Vậy liệu mẹ em có phải đi tù không ạ ? Mong luật sư giúp em, em xin chân thành cảm ơn. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:

 

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

 

Và Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

 

"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

 

Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Mẹ bạn có vay tiền của 3, 4 chủ nợ nhưng hiện nay vì làm ăn thua lỗ nên mẹ bạn không còn khả năng chi trả những khoản nợ đó. Mặc dù gia đình bạn đã thỏa thuận với chủ nợ về việc thanh toán dần các khoản nợ nhưng họ không đồng ý. Trường hợp khi đến hạn mà mẹ bạn không thanh toán thì các chủ nợ có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu mẹ bạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, việc thi hành án hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng trả thực tế của mẹ bạn (có thu nhập, tài sản,...hay không). Nếu mẹ bạn không có khả năng thanh toán thì việc thi hành án không thể thực hiện được và đến khi nào mẹ bạn có khả năng trả nợ thi cơ quan thi hành án sẽ tiếp tục tiến hành thi hành án. 

 

Trường hợp, nếu có căn cứ xác định được bên vay có dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền hoặc bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả tiền thì bên vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

 

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;"

 

Như vậy, trường hợp mẹ bạn không có khả năng thanh toán nhưng mẹ bạn vẫn giữ liên lạc, hứa hẹn sẽ trả lại tài sản trong tương lai, không hề bỏ trốn hay không có dấu hiệu muốn chiếm đoạt khối tài sản này mà không trả lại cho chủ sở hữu,… thì tranh chấp giữa mẹ bạn và chủ nợ vẫn chỉ mang tính chất dân sự, và không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo