Nguyễn Thu Trang

Khởi kiện đòi lại tài sản trong hợp đồng vay?

Tư vấn về việc có chứng cứ để khởi kiện đòi lại tài sản trong hợp đồng vay khi người vợ chết, người chồng có phải chịu nghĩa vụ trả nợ đó không?

 

Câu hỏi tư vấn: Bá  em được chị A cùng xã giúp làm thủ tục vay vốn hộ ngèo tại ngân hàng 25 triệu đứng tên bá em với điều kiện là khi ngân hàng cho vay 25triệu  thì bá em chỉ được giữ 6 triệu ,số tiền còn lại 19 triệu chị A sẽ giữ lại để chia cho chị em B,C,D trong xã có hoàn cảnh khó khăn vay, và bá em chỉ phải đóng lãi 6 triệu cho chị A để chị A đóng lãi cho ngân hàng.Chị A cũng làm điều tương tự với nhiều trường hợp khác trong xã. Một thời gian sau ,không may chị A đột nhiên qua đời khiến bá em và nhiều người khác phải chịu khoản vay ngân hàng 25triệu.Hỏi ra mới biết chị A dùng số tiền 19 triệu của nhiều người khác nhau để xây nhà .Sự việc được khiếu nại lên xã ,qua điều tra xã cũng đã xác nhận sự việc trên là đúng và bằng chứng là cuốn sổ mà chị A để lại ghi chép đầy đủ ngày đóng lãi của bá em và những người khác .Nhưng chồng chị A phủ nhận không biết việc chị A làm và nhất quyết không ttrả lại số tiền 19 triệu trên.Em xin hỏi đoàn luật sư Luật Gia Minh rằng chỉ với những chứng cứ trên thì bá em và những người khác có đủ chứng cứ và cơ sở để khởi kiện đòi anh chồng chị A trả lại số tiền mà chị A đã chiếm giữ không ạ .em xin chân thành cảm ơn

 

 Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trong trường hợp này, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Căn cứ vào Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

 

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Ở đây, chị A đã dùng tiền vay vốn ngân hàng của bá bạn và nhiều người khác để xây nhà phục vụ lợi ích của mình mà không phải là cho chị em B,C,D có hoàn cảnh khó khăn trong xã vay như đã nói với bá bạn.

 

Căn cứ theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án".

 

Trong trường hợp này, sự việc được khiếu nại lên xã ,qua điều tra xã cũng đã xác nhận sự việc trên là đúng và bằng chứng là cuốn sổ mà chị A để lại ghi chép đầy đủ ngày đóng lãi của bá bạn và những người khác , đây đưọc coi là tài liệu liên quan đến vụ án.

 

Vì vậy, theo chúng tôi bá bạn và những người khác có đủ có đủ chứng cứ và cơ sở để khởi kiện đòi  chị A trả lại số tiền mà chị A đã chiếm giữ. Nhưng do chị A đã chết nên căn cứ vào Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

 

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

 

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

 

Như vậy, dựa trên số di sản chị A để lại, những người thừa hưởng di sản phải thực hiện nghĩa vụ về số tiền đã chiếm đoạt của những người dân trong xóm. Theo đó mà gia đình bạn có thể yêu cầu chồng của chị A - khi này là người quản lý di sản - thanh toán phần nghĩa vụ của chị A trước khi đem di sản ra chia thừa kế. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Hồng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo