LS Hồng Nhung

Hưởng thừa kế từ bà nội trong trường hợp không có di chúc

Trường hợp bà nội mất không để lại di chúc, các cháu có được hưởng thừa kế phần di sản đó không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Thưa luật sư! Tôi có trường hợp muốn nhờ luật sư tư vấn: Bố tôi là con trai duy nhất của ông nội và bà nội tôi, gia đình tôi có 3 chị em. Ông nội tôi đi chiến trường và mất. Sau đó bà nội tôi lấy thêm ông dượng đẻ ra 2 người con và có 1 người con riêng. Mảnh đất đang sinh sống bà nội tôi đứng tên. Sau đó bà tôi mất không để lại di chúc. Vài năm sau bố tôi cũng mất vì bệnh. Vậy tôi muốn hỏi luật sư, việc thừa kế đất của bà tôi:

1. Trong trường hợp bà tôi mất ko để di chúc thì 3 chị em chúng tôi được hưởng như thế nào? Ông dượng vẫn còn sống và hai người con chung, một người con riêng của ông dượng và bà tôi vẫn sống bình thường. Rất mong nhận được sự phản hồi của quý luật sư. Cảm ơn luật sư!

 

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước tiên, phải xác định mảnh đất đang sinh sống là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ai. Do đó chúng tôi sẽ chia làm 2 trường hợp như sau:

 

Trường hợp thứ nhất: Nếu đây là tài sản chung của ông bà nội bạn thì khi ông bạn mất, mảnh đất này sẽ được chia đôi; một phần thuộc sở hữu của bà nội và một phần của ông sẽ được mang ra chia thừa kế. Theo đó, cha bạn và bà nội bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

“b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

...

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Trường hợp sau khi bà mất mà không để lại di chúc thì toàn bộ di sản của bà bao gồm 1/2 giá trị tài sản trong khối tài sản chung với ông nội bạn và phần nhận di sản từ ông sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà bao gồm: ông dượng, 2 người con chung; người con riêng của dượng nhưng kèm theo điều kiện phát sinh quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc theo Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015; và mẹ, ba anh chị em của bạn hưởng (hưởng đối với phần di sản mà bố được hưởng từ bà khi bà mất).

 

Trường hợp thứ hai: Nếu đây là tài sản riêng của bà nội bạn thì khi nội mất mà không để lại di chúc, phần di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn là ông dượng và 2 người con chung; người con riêng giữa bà nội và ông dượng có thể được hưởng thừa kế nếu giữa người này và bà nội bạn có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như mẹ con theo Điều 654 Bộ luật dân sự 2015; mẹ, ba anh chị em của bạn. Mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Nếu đây là tài sản chung của bà nội bạn và ông dượng thì khi bà nội bạn mất không để lại di chúc, phần tài sản này sẽ được chia đôi, 1 nửa là tài sản thuộc quyền sở hữu của ông dượng và 1 nửa được đem ra để chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn như đã nêu ở trường hợp trên đây.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo