Luật sư Phùng Gái

Hợp đồng vay tài sản và nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Bộ luật dân sự 2015?

Câu hỏi tư vấn: Tôi lấy chồng đến năm 2008 chồng tôi mất, gia đình chồng tôi chỉ còn có mình bố chồng và chị chồng (đã lập gđ riêng). Tôi có 1 con trai, trong suốt thời gian đến 2014 tôi đã chăm sóc phụng dưỡng bố chồng lúc ông bệnh nặng và mất, gia đình chồng ai cũng thương mẹ con tôi, mong mẹ con tôi tìm được chỗ dựa tinh thần.

 

Năm 2011 tôi có quen với anh XZ, chúng tôi cũng có hoàn cảnh khá bất hạnh trong hôn nhân nên đồng cảm, anh hiền lành tốt bụng nhưng ích kỷ, lúc bố chồng tôi còn sống thì ông cũng động viên và thi thoảng chúng tôi cũng qua lại như vợ chồng ở ngoài, sau khi bố chồng tôi mất thì chúng tôi xem nhau như vợ chồng. Tuy vẫn nhà ai lấy ở, nhưng anh cũng thương mẹ con tôi. Cuộc sống gia đình ngoại tôi nhiều biến cố tôi khó khăn về kinh tế anh cũng hiểu. Nên thi thoảng anh hay đưa cho tôi 1 vài trăm hay 1 triệu lo chi tiêu và kèm theo câu nói quen thuộc" anh đưa vợ để vợ chi tiêu". Rồi cũng có lúc tôi khó khăn hay gặp chuyện gấp, tôi vẫn phải nhắn tin cho anh là anh cho vợ mượn tiền vợ lo việc, nhiều thì cũng là 2-3tr, anh luôn nhắn lại là vợ chồng không nói chuyện vay mượn, thi thoảng anh chủ động cho tôi (chứ không phải vay mượn).

 

Hơn 2 năm trời hầu như ngày nào tôi cũng chợ búa cơm nước và anh đều xuống ăn cơm vì chúng tôi coi nhau như gia đình. Tất nhiên cũng có lúc gây lộn vì bất hoà 1 vài điều nho nhỏ, có lần cãi nhau anh bới móc lên face book đăng bài nói tôi lừa đảo anh...., tìm gặp bạn bè, thậm chí cả chị chồng và anh rể tôi để bêu xấu. Rồi khủng bố tin nhắn điện thoại zalo facebook của tôi thường xuyên.thậm chí còn gọi điện cho cả bố mẹ già của tôi ở quê nói linh tinh. Biết phụ nữ chúng tôi sợ mất mặt, nên lần này cãi nhau cũng không ngoại lệ, anh ấy vẫn nhắn tin hạ nhục, rồi doạ gặp người này kể người kia để bêu xấu tôi và gặp chị chồng tôi nữa. Nhưng khác mọi khi là anh tìm toàn bộ tin nhắn tôi nhắn cho anh mượn tiền và yêu cầu tôi trả tiền. Mặc dù khi đó vui vẻ sống như vợ chồng anh đưa tôi và bảo tôi để lo cho gia đình mình. Chẳng có bằng chứng hay ai chứng kiến anh đưa tiền cho tôi.

 

Vậy tôi muốn hỏi luật sư là tôi có phải trả lại tiền cho anh ta và phải làm gì để chấm dứt tình trạng đe doạ khủng bố từ anh ta. Rất mong nhận được tư vấn từ phía quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì đối tượng A yêu cầu bạn hoàn trả số tiền mà bạn đã vay qua các tin nhắn trao đổi của hai bên. Do đó, trong trường hợp nếu đối tượng A  ngoài cung cấp những tin nhắn trên và đưa ra những căn cứ chứng minh thêm cho việc bạn có vay tiền - có tồn tại quan hệ vay tài sản thì khi đó họ vẫn có quyền yêu cầu bạn hoàn trả số tiền đã vay theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Ngoài ra, đối với việc đối tượng A thường xuyên đe dọa, nhắn tin, gọi điện thậm chí liên lạc tới người thân quen biết nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của mình thì khi này để đảm bảo quyền lợi của mình và buộc đối tượng chấm dứt hành vi đe dọa, khủng bố bạn có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an nơi đối tượng cư trú để xử lý, giải quyết về hành vi làm nhục người khác. Theo đó, khi có đơn tố cáo thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng trên có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo