Cà Thị Phương

Hợp đồng vay lãi suất cao

Luật sư tư vấn về quyền kiện đòi khoản tiền vượt quá mức lãi suất quy định của pháp luật? Thủ tục kiện đòi như thế nào? Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư. Nay cháu gửi email này đến luật sư mong luật sư tư vấn giúp cháu về vấn đề cho vay nặng lãi. (cháu gửi email giúp mẹ vì bà không rành về vi tính). Cách đây khoảng 12 năm vào năm 2005 mẹ cháu có vay một người 33 triệu đồng, (có làm giấy viết tay) theo cháu được biết trong vòng 10 năm đầu người này lấy mẹ cháu 3 triệu 3 trăm nghìn VNĐ mỗi tháng, còn những năm gần đây là 1 triệu 7 trăm nghìn VNĐ một tháng. Dạo gần đây do mẹ phải lo tiền học cho cháu nên bị thiếu hụt tiền lãi của người đó và họ hâm dọa nếu không trả đủ họ sẽ làm lớn chuyện ở cơ quan làm việc của mẹ cháu. Mà theo cháu tính thì đến nay mẹ cháu đã phải trả tiền lãi cho người đó với số tiền hơn 400 triệu. Vậy luật sư cho cháu hỏi bây giờ mẹ cháu có thể làm đơn kiện người đó và buộc người đó phải trả lại khoảng tiền hơn 400 triệu đó được không ạ? Và nếu được thì luật sư có thể chỉ cháu cách làm đơn lên toà không ạ? Cháu chên thành cảm ơn luật sư và cháu rất mong sự giúp đỡ của luật sư.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của mẹ bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về quyền kiện đòi số lãi vượt mức lãi suất pháp luật quy định


Mẹ bạn thực hiện hợp đồng vay vào năm 2005. Hợp đồng này được điều chỉnh bời Bộ Luật Dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005 về lãi suất thì:


“Điều 476. Lãi suất
 

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
 

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.


Theo đó lãi suất cho vay sẽ do mẹ  bạn và người chủ cho vay thỏa thuận, tuy nhien thỏa thuận này bị giới hạn không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng. Tại thời điểm mẹ bạn vay tiền thì theo Điều 1 Quyết định 1556/QĐ-NHNN năm 2005 thì mức lãi suất là 0,65%/tháng (7,8%/năm). 


Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp mẹ bạn vay 33 triệu với số lãi là 3 triệu ba trăm nghìn (tức là 10%/tháng). Như vậy, mức lãi suất mà mẹ bạn với người cho vay đã vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng quy định thời điểm lúc đó. Theo quy định tại điều này thì pháp luật quy định mức lãi suất vay không được vượt quá giới hạn quy định. Do vậy, đối với mức lãi suất vượt quá giới hạn mà pháp luật quy định thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực. Khi có tranh chấp thì người vay sẽ tiến hành trả lãi áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.


Như vậy, trường hợp của mẹ bạn, mẹ bạn có tranh chấp với chủ nợ về hợp đồng vay tài sản nên mẹ bạn có thể kiện lên Tòa để được giải quyết vấn đề tranh chấp này. Đồng thời, mẹ bạn chỉ được kiện đòi đối với khoản lãi vượt quá giới hạn pháp luật quy định mà không được kiện đòi lại toàn bộ số tiền lãi đã trả. 

 

Thứ hai, thủ tục khởi kiện


Mẹ bạn có tranh chấp về lãi suất trong hợp đồng vay, mức lãi suất cao này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mẹ bạn. Trường hợp của mẹ bạn vẫn còn thời hạn khỏi kiện. Do đó mẹ bạn có thể nộp hồ sơ khỏi kiện đến Tòa án. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:


Đơn khởi kiện (theo mẫu).


Giấy vay nợ và các tài liệu có liên quan đến hợp đồng vay.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo