LS Hồng Nhung

Hợp đồng tín dụng giao kết với người không biết chữ có hiệu lực không?

Hợp đồng tín dụng là gì? Hợp đồng tín dụng khác hợp đồng vay tài sản như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến hợp đồng tín dụng qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật các tổ chức tín dụng

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng vay tài sản là một loại hợp đồng phổ biến trong các giao dịch dân sự, hợp đồng vay tài sản được giao kết giữa tổ chức tín dụng với cá nhân/tổ chức được gọi là hợp đồng tín dụng. Theo đó, hợp đồng vay tài sản thông thường và hợp đồng tín dụng có những điểm khác biệt cơ bản về chủ thể, đối tượng, hình thức, cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ,… Vì vậy, bên cho vay cũng như bên vay cần nắm rõ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Trước tiên, để tiếp cận các quy định về vấn đề này, bạn hãy tham khảo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật các tổ chức tín dụng 2010. Mặt khác, nếu bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng bạn có thể liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể bằng cách gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn hợp đồng tín dụng

Hỏi: Mẹ tôi do ít học, buôn bán nhỏ, lúc khó khăn có mượn tiền bên ngân hàng vay tiêu dùng tín chấp do 1 người bên ngân hàng đó đến dụ dỗ làm đơn cho mượn. Mẹ tôi mượn 21 triệu đồng nhưng người bên ngân hàng nói giữ lại 1 triệu đồng để giữ làm bảo hiểm. Lúc vay mẹ tôi ít chữ nên hỏi nhân viên làm đơn là đóng bao nhiêu năm lãi suất ra sao, nhân viên đó nói đóng 2 năm lãi suất 1.7% nhưng khi đóng thì ngân hàng lại đòi lãi suất 2.7% mỗi tháng mẹ tôi phải đóng 1 tháng 1 triệu 270 ngàn. Mẹ tôi đóng đến thời điểm là 20 tháng rồi thì ngân hàng lại nói đóng đến 36 tháng mới hết. Mẹ tôi có hỏi tại sao thì ngân hàng nói do mẹ tôi ký giấy là đóng 3 năm. Mẹ tôi ít chữ nên chỉ nghe nhân viên nói sao biết vậy, giờ do mẹ tôi chưa có tiền đóng chậm trễ 10 tháng, giờ ngân hàng đòi lãi đến 44 triệu nữa, giờ cho hỏi tôi phải làm sao, như vậy có phải cho vay nặng lãi không? Nếu đúng thì phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi. Tôi xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn và nhân viên Ngân hàng đã xác lập một hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp không thể hiện rõ nội dung cụ thể trong hợp đồng tín dụng đã giao kết nên chúng tôi tư vấn theo hai hướng như sau:

Thứ nhất, về quan hệ dân sự giữa mẹ bạn và ngân hàng

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 cũng như Luật các tổ chức tín dụng 2015 không có quy định hạn chế người ít chữ hay không biết chữ là chủ thể của hợp đồng tín dụng nên mẹ bạn hoàn toàn có quyền tham gia giao dịch dân sự này. Trong quá trình xác lập hợp đồng tín dụng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cũng cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

“Điều 16. Cung cấp thông tin

1. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

…”

Theo đó, nhân viên Ngân hàng có nghĩa vụ phải cung cấp những thông tin trên cho mẹ bạn trước khi giao kết hợp đồng tín dụng. Trong trường hợp các thông tin mà nhân viên Ngân hàng đưa ra có sự khác biệt so với các thông tin trong hợp đồng tín dụng và mẹ bạn có căn cứ để chứng minh về sự khác biệt này thì mẹ bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

…”

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 02 năm kể từ ngày mẹ bạn biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối theo điểm b Khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Như vậy, khi có các căn cứ chứng minh việc xác lập hợp đồng tín dụng giữa mẹ bạn và ngân hàng do bị lừa dối thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mẹ bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi nhân viên Ngân hàng cư trú hoặc tại nơi có trụ ở của Ngân hàng để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. 

Thứ hai, về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội cho vay lãi nặng như sau:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi khi đáp ứng đủ hai điều kiện:

- Một là, cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tức lãi suất vượt quá 100%/năm hoặc 8,35%/tháng;

- Hai là, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, khi nhận thấy dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi, bạn có thể trình báo hành vi vi phạm đến cơ quan điều tra – công an cấp quận/huyện nơi bạn hoặc người có hành vi vi phạm cư trú để điều tra, xác minh hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thêm quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức tín dụng có đăng ký lãi suất thì không áp dụng quy định này. Lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. 

Đồng thời tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cũng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nên bạn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi đối với Ngân hàng. Pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm trong phạm vi được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia dựa trên thông tin bạn cung cấp. Tuy nhiên, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nên cung cấp thêm hợp đồng tín dụng giữa mẹ bạn và Ngân hàng để chúng tôi đưa ra phương án tư vấn phù hợp với tình hình thực tế của bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo