Vũ Thanh Thủy

Hợp đồng thay đổi chủ thể cho vay

Quỹ hỗ trợ được UBND tỉnh quyết định thành lập vào năm 2003 với nhiệm vụ: tiếp nhận các nguồn vốn ngân sách, huy động vốn, cho vay theo các quyết định của UBND tỉnh. Năm 2009, Quỹ hỗ trợ cho Công ty X vay vốn với thời hạn 05 năm.

 

Năm 2012, Quỹ phát triển đất được thành lập; Theo quyết định của UBND tỉnh, chuyển giao Quỹ hỗ trợ sang cho Quỹ đất nhận ủy thác quản lý. Năm 2017, Quỹ đầu tư phát triển được thành lập, theo đó, vốn điều lệ cho Quỹ ĐTPT bao gồm: vốn quỹ hỗ trợ hiện có do Quỹ đất nhận ủy thác quản lý (bao gồm món vay của Công ty X) Nay, Quỹ đầu tư phát triển muốn ký lại Hợp đồng thay đổi chủ thể với Công ty X thì phải làm thế nào ạ?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý toàn diện của UBND... Quỹ có một Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ.

 

Theo Điều 89 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định:

 

“Điều 89. Sáp nhập pháp nhân

 

1. Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).

 

2. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.”

 

Như vậy, theo những thông tin mà bạn cung cấp thì quỹ hỗ trợ do quỹ đất quản lý được sáp nhập với quỹ đầu tư và phát triển thì hậu quả pháp lý lúc này là quỹ hỗ trợ sẽ chấm dứt sự tồn tại và mọi quyền và nghĩa vụ của quỹ hỗ trợ lúc này sẽ được chuyển giao cho quỹ đầu tư và phát triển trong đó sẽ bao gồm là hợp đồng vay vốn của công ty X.

 

Về nguyên tắc thì Công ty X sẽ phải thực hiện việc thanh toán nợ và lãi với số tiền đã vay từ quỹ hỗ trợ với quỹ đất đầu tư phát triển.

 

Ngoài ra, Căn cứ theo Điều 385 BLDS: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Trong trường hợp trên đã có sự sự thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên thì để tránh những rủi ro không cần thiết thì quỹ đầu tư và phát triển có thể thỏa thuận với Công ty X về việc soạn thảo phụ lục hợp đồng  theo Điều 403 BLDS 2015 để ghi nhận rõ về vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi quỹ hỗ trợ được sáp nhập:

 

Điều 403. Phụ lục hợp đồng

 

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

 

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

 

Nếu để an toàn hơn thì hai bên cũng có thể thỏa thuận với nhau ký kết hợp đồng mới.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo