Luật sư Phùng Gái

Hợp đồng mượn nhà ở và đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân?

Câu hỏi tư vấn: Em hiện vừa ra trường và vừa thành lập công ty về lập trình phần mềm. Hiện tại bên em muốn xuất hóa đơn nhưng em đang gặp vướng mắc về trụ sở, em có người quen vừa xây nhà trên Hà Nội, có sổ đỏ.

 

 Em hiện vừa ra trường và vừa thành lập công ty về lập trình phần mềm. Hiện tại bên em muốn xuất hóa đơn nhưng em đang gặp vướng mắc về trụ sở, em có người quen vừa xây nhà trên Hà Nội, có sổ đỏ.  Nên em muốn làm thủ tục mượn tầng 1 (hay 1 phòng của tầng 1) để làm trụ sở (thực sự là em cũng không biết hợp đồng mượn nhà có được thuế chấp nhận hay cứ phải thuê dù giá thuê thấp nhưng có hóa đơn thì thuế mới đồng ý cho công ty em xuất hóa đơn). Qua tìm hiểu thì em thấy hợp đồng mượn nhà  có điều kiện thời hạn mượn  phải chứng thực hợp đồng và em chưa tìm hiểu được khi em mượn nhà thì chủ nhà có phải đóng thuế gì không.

 

Vậy quý công ty có thể tư vấn giúp em về cách làm hợp đồng mượn nhà, thời gian mượn ,..của hợp đồng để hợp lý để bên thuế có thể đồng ý cho em phát hành hóa đơn, mà ít phải phiền chủ nhà đi laị công chứng và em cần phải chuẩn bị giấy tờ gì ngoài hợp đồng để bên thuế không bắt bẻ. Em xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi có thể xác định bạn muốn lập hợp đồng mượn nhà ở để làm trụ sở của công ty, để được làm thủ tục xuất hóa đơn với cơ quan thuế. Theo đó, để xác định khi lập hợp đồng mượn nhà ở thì người cho mượn (chủ nhà) có phát sinh thuế thu nhập cá nhân hay không thì sẽ phải căn cứ theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân để đối chiếu. Cụ thể:

 

Điều 3. Thu nhập chịu thuế

 

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

 

5. 4 Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

 

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

 

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

 

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;

 

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

 

Như vậy, trong trường hợp giữa bạn và bên chủ nhà dựa mối quan hệ quen biết và họ đồng ý cho bạn mượn nhà để làm trụ sở cơ quan thông qua hình thức lập hợp đồng cho mượn nhà ở  - không phát sinh nguồn thu nhập. Do đó, bên chủ nhà sẽ không thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng khi lập hợp đồng cần thể hiện rõ thời hạn mượn là bao lâu và để đảm bảo trách gây phiền hà cho người chủ nhà phải gặp vướng mắc sau này và cung cấp hồ sơ cho cơ quan thuế thì bạn có thể thực hiện công chứng, chứng thực bản hợp đồng mượn nhà ở đó tại cơ quan có thẩm quyền.

 

Đối với việc xác định những nội dung cần có trong hợp đồng mượn nhà ở và để đảm bảo tính pháp lý, ràng buộc trách nhiệm cũng như quyền của mỗi bên, thời hạn mượn, trả.. thì bạn có thể dựa trên quy định Luật nhà ở năm 2014 để lập hợp đồng. Cụ thể:

 

Điều 121. Hợp đồng về nhà ở

 

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

 

1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

 

2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;

 

3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

 

4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

 

5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;

 

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;

 

7. Cam kết của các bên;

 

8. Các thỏa thuận khác;

 

9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

 

10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

 

11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

 

Ngoài ra, để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên thì bạn có thể dựa vào quy định của bộ luật dân sự năm 2015 để xác lập:

 

Điều 496. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản

 

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.

 

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.

 

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

 

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.

 

5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.

 

Điều 497. Quyền của bên mượn tài sản

 

1. Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.

 

2. Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.

 

3. Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.

 

Điều 498. Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản

 

1. Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có.

 

2. Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận.

 

3. Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.

 

Điều 499. Quyền của bên cho mượn tài sản

 

1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

 

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

 

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

 

+ Liên quan tới việc xuất hóa đơn công ty: Trong trường hợp này bạn chỉ cần đảm bảo hợp đồng mượn nhà ở của bạn hợp pháp là được. Còn sau đó muốn làm việc với cơ quan thuế để xuất hóa đơn thì thực hiện theo bước: xác định công ty được phép in hóa đơn GTGT lần đầu và nộp đơn xin đặt in hóa đơn gửi cơ quan thuế để xác nhận (mẫu 3.14), trên cơ sở hồ sơ đó thì cơ quan thuế sẽ xác minh địa chỉ và cấp giấy hẹn giải quyết, cho phép đặt in hóa đơn GTGT hay mua hóa đơn của cơ quan thuế (5 ngày làm việc) sau đó công ty sẽ tiến hành thủ tục đặt in hóa đơn GTGT và thủ tục phát hành hóa đơn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hợp đồng mượn nhà ở và đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo