Cà Thị Phương

Hợp đồng dân sự do người chưa thành niên xác lập

Luật sư tư vấn về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự do người chưa thành niên xác lập. Cụ thể như sau:

 

Nội dung cần tư vấn: Thưa luật sư, luật sư tư vấn cho tôi về việc con trai tôi năm nay 17 tuổi mải chơi gem chơi trò chơi Rick gì đó cháu có vay tiền của mây chủ nợ lãi xuất 10% chúng ep trả nợ nêu k trả chúng dọa sẽ đánh cháu tôi chưa biết con tôi sẽ phạm tội gì nêu k trả đc chúng .bọn chúng có giấy vay nợ và chữ ký của cháu. Còn trường hợp nưa cháu vay 40tr đã quá hạn chúng đánh cháu ep viết giây nợ thành 60tr tôi có phải trả số tiền nhân lên k. Trường hợp nưa thưa luật sư. Bọn chúng cho con tôi thuê xe máy có tên và biển sô xe va cắm luôn của công tư chúng với số tiền 20tr  nhưng 2 giây ko liên quan một giây la thuê xe một giây là vay tiền trường hợp này con tôi có bị đi từ ko thưa luật sư tôi không biết thế nào rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi tên Nguyễn Thị Hào cảm ơn luật sư.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của con chị chúng tôi tư vấn như sau:


Thứ nhất, về việc con chị thực hiện hợp đồng vay tiền


Theo quy định tại điều 117 Bộ Luật dân sự 2015 thì: 
 

"Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định".


Con chị 17 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Bộ Luật dân sự 2015 thì: "Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý".


Con chị có thể tự mình thực hiện giao dịch vay tiền, về mặt ý chí thì con chị tự nguyện vay tiền, mục đích, nội dung của hợp đồng vay không trái với quy định của pháp luật thì hợp đồng vay của con chị sẽ có hiệu lực pháp luật. 


Tuy nhiên về điều khoản lãi suất 10%, do chị chỉ rõ là lãi suất 10%/ngày, 10%/tháng hay 10%/năm nên cần phải xác định rằng lãi suất này có vượt quá mức lãi suất mà luật quy định hay không. Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì:


“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”


Cụ thể như: nếu  lãi suất mà con chị vay trong hợp đồng vay 40 triệu là 10%/tháng thì số tiền lãi 1 năm mà con chị phải trả là 40.000.000 x 10% x 12= 48.000.000.  lãi suất này đã vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

 

Trong trường hợp lãi suất việc quá lãi suất giới hạn 20%/năm của khoản tiền vay thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có giới hạn. Và con chị chỉ phải trả lãi theo mức giới hạn của lãi suất mà luật đã quy định.


Thứ hai, về hợp đồng vay tài sản từ 40 triệu lên 60 triệu do con chị bị đánh và ép viết giấy nợ


Căn cứ vào Điều 407 và Điều 127 Bộ Luật dân sự thì:


“Điều 407. Hợp đồng vô hiệu
 

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
...

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.


Theo như thông tin chị cung cấp, con chị bị đánh và bị ép viết giấy nợ do đó giấy nợ viết nợ từ 40 triệu lên đến 60 triệu bị vô hiệu do con chị bị đe dọa, cưỡng ép phải viết giấy nợ. Do đó, phía gia đình chị có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vay (giấy nợ) này vô hiệu. Con chị không phải trả số tiền phía công ty kia ép con chị viết lên mà chỉ trả số nợ gốc và lãi, cũng như lãi quá hạn đối với khoản tiền vay 40 triệu trong hợp đồng vay đầu tiên với mức lãi suất theo luật định.


Thứ ba, về hợp đồng thuê xe máy và giấy tờ, việc con chị cầm cố xe máy tại chính công ty cho thuê đó  nhưng lại viết thành hợp đồng vay 20 triệu đồng


Về bản chất con chị cầm cố xe tại chính công ty đó để lấy 20 triệu đồng tuy nhiên con chị và phía công ty lại xác lập hợp đồng vay tiền. Lợi dụng sự hạn chế về hiểu biết của con chị làm cho con chị hiểu sai về hợp đồng cầm cố và hợp đồng nên con chị có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự này vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Giao dịch dân sự vô hiệu con chị phải hoàn trả số tiền 20 triệu đồng cho phiá công ty kia và ngược lại công ty kia phải hoàn trả trước xe máy cho con chị. Sau đó, con chị phải trả lại chiếc xe máy và số tiền thuê xe theo hợp đồng thuê để  hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng thuế.


Thứ tư, về việc con chị có phải đi tù hay không?


Việc vay tiền của cháu là giao dịch dân sự nên con chị sẽ không bị đi tù mà chỉ cần thực hiện các nghĩa vụ dân sự cụ thể là nghĩa vụ trả tiền nợ gốc và tiền lãi của hợp đồng vay 40 triệu; nghĩa vụ trả tài sản là chiếc xe máy và giấy tờ xe, số tiền thuê xe theo hợp đồng thuê xe, cùng số tiền 20 triệu cầm cố chiếc xe.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo