Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về việc lấy lại tiền nhờ xin việc chạy việc phải làm thế nào?

Kính gởi Công ty Luật Minh Gia, nhờ công ty tư vấn về trường hợp Hỏi về việc lấy lại tiền nhờ xin việc, chạy việc như thế nào? Hành vi vi phạm của người nhận tiền và hứa xin việc, chạy việc và quy định pháp luật liên quan như sau:

Cách đây khoảng 1 năm, tôi có nhờ 1 người trên danh nghĩa là người (giúp chạy việc làm). giúp cho tôi vào biên chế của 1 công ty nhà nước. Sau khi tôi đã đưa cho người đó 1 số tiền 40.000.000 (bốn mươi triệu đồng) đến nay tôi vẫn chưa nhận được việc làm như mong muốn, nhưng sau nhiều lần yêu cầu trả tiền lại thì người đó chỉ trả lại cho tôi 30 triệu đồng, còn lại 10 triệu nữa thì không thấy người đó nói gì thêm, và tôi cũng đã cố gắng liên lạc, với người đó nhưng không được. Vậy xin hỏi tôi phải làm như thế nào để lấy số tiền còn lại, và tôi có nên khởi kiện người đó với tội danh là (lừa đảo) hay không ? Xin cảm ơn !

Trả lời tư vấn: Chào bạn, vấn đề của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội tại Điều 123 như sau:

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Giao dịch giữa bạn và người trên danh nghĩa chạy việc có mục đích là dùng tiền bằng cách nào xin việc cho bạn xét về khía cạnh chuẩn mực đạo đức xã hội pháp luật không đảm bảo về giao dịch dân sự.

Căn cứ vào quy định theo Điều 123 Bộ Luật Dân sự năm 2015 như trên thì giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận khôi phục tình trạng ban đầu.

Trường hợp của bạn vì bên kia trốn tránh số tiền 10 triệu đồng còn lại có lẽ họ không có thiện chí, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tài sản.

Căn cứ Điều 186 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015:

Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai về câu hỏi: Tôi có nên khởi kiện người đó với tội danh là (lừa đảo) hay không ?

Căn cứ Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sả

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Theo thông tin bạn cung cấp ở trên sau nhiều lần yêu cầu trả tiền lại thì người đó chỉ trả lại cho bạn 30 triệu đồng, còn lại 10 triệu nữa thì không thấy người đó nói gì thêm, và bạn cũng đã cố gắng liên lạc, với người đó nhưng không được. Nếu người nhận nhận tiền của bạn ngay từ ban đầu không có ý định xin việc mà chỉ đưa ra thông tin giả nhằm chiếm đoạt số tiền bạn đã chuyển giao, thì căn cứ vào quy định Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015  sửa đổi bổ sung 2017 thì người nhận chạy việc này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp trên bạn hoàn toàn có thể khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là công an, để cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan, tạo điều kiện thuận lợi làm rõ vụ việc nói trên. Cơ quan có thẩm chỉ được khỏi tố vụ án hình sự khi đã xác nhận có dấu hiệu tội phạm theo quy định Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vấn đề về tội đưa hối lộ có cấu thành với hành vi của bạn và người nhận tiền. Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

Theo đó, khi bạn đưa số tiền này cho một người có chức vụ quyền hạn với mục đích để người này thực hiện một việc vì lợi ích cá nhận của bạn (xin việc) trái với quy định của pháp luật thì có thể cấu thành tội đưa hối lộ, và người có chức vụ quyền hạn nhân số tiền đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội nhận hối lộ.

Cũng cần lưu ý thêm, Điều 364 có quy định về trường hợp người đưa hối lộ mà chủ động khai báo như sau: Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Do đó, bạn cần cân nhắc để lụa chọn hướng giải quyết tốt nhất cho trường hợp của mình. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về việc lấy lại tiền nhờ xin việc, chạy việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo