Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cho bạn mượn tiền đòi không trả phải làm thế nào?

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành, trong quan hệ hợp đồng vay tài sản, bên vay có nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời hạn, số lượng và chất lượng tài sản vay (nếu các bên không có thỏa thuận khác). Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp bên vay sau khi đến hạn trả nợ lại không thực hiện nghĩa vụ trả nợ làm phát sinh tranh chấp giữa các bên.

 Câu hỏi tư vấn:

Chào Luật sư Công ty Luật Minh Gia, tôi tên: T T D hiện đang sinh sống và làm việc tại TF, tôi đang gặp chuyện rắc rối về việc cho mượn tiền xin nhờ sự trợ giúp từ phía Luật sư. Sự việc như sau: Ngày 19/6/2022, tôi gặp lại 1 người bạn thời còn học phổ thông và đã hơn 10 năm không gặp lại. Bạn ấy xin số điện thoại và sáng hôm sau hẹn mình uống cà phê. Sau đó, đến chiều lại đến tìm mình, khóc và nhờ sự giúp đỡ. Cô ấy bảo thiếu nợ 1 người bạn 38 triệu và hiện giờ người đó giữ dấu mộc công ty, séc và hóa đơn trong khi khách hàng yêu cầu cô ấy xuất hóa đơn và thanh toán phần còn lại của hợp đồng là 86 triệu. Bây giờ, cô ấy không có tiền để chuộc ra nên rất khó khăn. Mình nói bây giờ tôi không có tiền nhưng sẽ tìm cách giúp.

Hôm sau, tôi bảo lãnh cho bạn ấy vay 38 triệu của người hàng xóm cam kết trong thời gian 10 ngày phải trả lại số tiền trên và 500 ngàn tiền lãi. Khi khách hàng thanh toán cho cô ấy, tôi và cô ấy sẽ đi ngân hàng rút số tiền trên vì cô ấy là giám đốc. Sau khi nhận lại mộc dấu công ty, séc và hóa đơn, tôi cất giữ khi nào hoàn trả 38 triệu, tôi đưa lại. 

Sau đó, hơn 10 ngày (30/6/2022) không thấy cô ấy thanh toán như cam kết. Tôi liên lạc thì cô ấy bảo giám đốc bên đó đi công tác nước ngoài 10/7 mới về, xin gia hạn thanh toán. Cô ấy sẽ trả đủ. Đến hẹn cũng không trả. Tôi tìm đến địa chỉ công ty không có tại địa chỉ, tìm đến nhà ghi trên giấy phép kinh doanh thì nhà đã bán. Liên hệ với ngân hàng thì khách hàng đã thanh toán cho công ty cô ấy từ ngày 25/6 tức là sau 5 ngày cô ấy xuất hóa đơn.

Tôi hoàn toàn không còn bình tĩnh được nữa, tôi đã bị lừa vì cô ấy ký séc trước khi đưa cho tôi nên mới rút tiền ra được. Tôi tiếp tục liên hệ với cô ấy, cô ấy hẹn đến 30/7 sẽ thanh toán. Nhưng đến 30/7 không thanh toán, tôi yêu cầu cô ấy tự viết cam kết về thời gian trả nợ. Cô ấy viết cam kết đến 10 giờ sáng ngày 30/8 sẽ thanh toán. Nhưng đến nay, không liên lạc được với cô ấy.

Tôi lần tìm qua những người bạn đến nhà mẹ cô ấy vì cô ấy ở đây nhưng cô ấy k tiếp. Tôi đã trình bày sự việc với mẹ cô ấy, sau đó cô ấy nhắn tin là đến 20/9 sẽ thanh toán. Tôi tìm đến cơ quan em cô ấy để tác động. Nhưng đến nay, tôi bế tắc hoàn toàn vì tôi phải gánh nợ cho cô ấy đóng lãi hàng tháng vì tôi không có số tiền trên

Tôi muốn hỏi bây giờ tôi phải làm gì? Tôi đang cố gắng truy tìm ra địa chỉ thật của cô ấy. Xin luật sư cố gắng chỉ dẫn cho tôi cách giải quyết. Tôi thành thật mang ơn

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đứng ra bảo lãnh cho người bạn để vay tiền người hàng xóm số tiền 38 triệu, thời hạn vay là 10 ngày với lãi suất là 500 nghìn đồng.  

Về quan hệ bảo lãnh, Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bảo lãnh như sau:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Ngoài ra, tại Điều 342 Bộ luật này có quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh như sau: 

“1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.”

Đối chiếu theo quy định trên, để xác định nghĩa vụ mà bạn cần thực hiện trong qua hệ bảo lãnh thì cần phải xem xét nội dung trong hợp đồng bảo lãnh mà bạn giao kết với người hàng xóm. Nếu trong hợp đồng bảo lãnh bạn cam kết sẽ trả nợ thay cho người bạn đó thì khi hết thời hạn vay, tức là đến ngày 30/6 người hàng xóm kia có quyền yêu cầu bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.  

Như vậy, khi bạn giao kết hợp đồng bảo lãnh với người hàng xóm, tức là bạn đã cam kết sẽ thực hiện toàn bộ hoặc 1 phần nghĩa vụ thay cho người bạn của mình. Nghĩa vụ đó có thể là trả nợ gốc, trả tiền lãi trên số nợ gốc đó, tiền phạt vi phạm hoặc tiền bồi thường thiệt hại tùy thuộc vào nội dung mà các bên thỏa thuận. 

Trong trường hợp này, để đảm bảo lợi ích của bạn, trước tiên bạn cần thực hiện các biện pháp thông báo tới người bạn của mình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã đến hạn.

Tại Điều 340 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Do đó, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người bạn của mình hoàn trả số tiền mà bạn đã trả cho người hàng xóm. 

Trên thực tế, bạn đã thực hiện các biện pháp thông báo tới người bạn của mình cũng như đã tìm tới bạn và đến nhà mẹ của cô ấy nhưng vẫn không nhận được sự trả lời. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, bạn cần nhờ đến các cơ quan nhà nước để yêu cầu giải quyết.

Thứ nhất, bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bạn đó đang cư trú ( nơi thường trú, tạm trú, học tập hoặc làm việc) để yêu cầu tòa án giải quyết theo vụ việc dân sự. 

Bạn có thể nộp đơn khởi kiện theo mẫu do Tòa án quy định, kèm theo đơn khởi kiện là hợp đồng bảo lãnh và các chứng cứ về việc bạn đã gửi thông báo yêu cầu trả nợ đến người bạn của mình. Việc khởi kiện ra tòa án tuy tốn kém thời gian theo các trình tự tố tụng tại tòa nhưng sẽ đảm bảo được chắc chắn quyền lợi của bạn.

Thứ hai, bạn có thể tố cáo tới cơ quan công an cấp huyện nơi người bạn đó cư trú về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu có một trong những dấu hiệu được liệt kê tại Điều 175 Bộ luật Hình sự như sau:

“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

Ngoài ra, trước khi tố giác, bạn có thể thông báo với người thân của người bạn đó về việc sẽ tố giác người bạn với cơ quan chức năng. Việc thông báo này có mục đích yêu cầu người đó tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Nếu người bạn đó vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bạn hoàn toàn có căn cứ tố giác hành vi của người bạn đó tới cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định nêu trên. Bởi vì trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có bằng chứng chứng minh người bạn đó hành vi chiếm đoạt số tiền trên thông qua việc người đó đã ký séc trước khi đưa séc cho bạn. Người bạn đó đã nhận được tiền của khách hàng tức là hoàn toàn có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng lại cố tình không thực hiện.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Hỏi về việc cho bạn mượn tiền nhưng không đòi lại được. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo