Trần Phương Hà

Hỏi về trường hợp vay mượn tiền không chịu trả

Luật sư cho hỏi trường hợp: Hiện tôi đang kinh doanh cầm đồ ở khu vưc Hà Nội. Tôi có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.Tôi có cho vợ chồng anh chị vay 450 triệu đồng. Với lãi suất là 150.000 đồng trên 1 triệu. Có giấy viết tay và chữ ký của hai vợ chồng. Nhưng trong khoảng 2 tháng về đây anh chị không đóng lai và cũng không trả gốc.

 

Thậm trí còn tránh mặt chúng tôi. Nếu tôi đem giấy tờ vay mượn có chữ ký của hai vợ chồng  ra nhờ pháp luật can thiệp có được không ạ? Và tôi có bị vi phạm phạt khi cho vay quá lãi suất quy định của nhà nước không? Và mức phạt là bao nhiêu. Còn bên vay thì bị xử lý theo quy định của pháp luật  như thế nào? Tôi có thể lấy lại được số tiền 450 triệu gốc và lãi không? Tôi rất mong được luât sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn.

 

=> Tư vấn quy định về đòi lại tài sản cho vay, gọi 1900.6169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khi hai bên giao kết hợp đồng vay thì có các nghĩa vụ theo thỏa thuận và theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 466 Bộ luật dân sự dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…..”

 

Về khoản gốc, nếu đã đến thời hạn trả nợ và đã yêu cầu bên vay trả nợ nhưng bên vay không trả thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện nơi người vay đang cư trú để giải quyết. Thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015).

 

Còn về phần lãi, hiện nay Nhà nước quy định mức lãi suất trong giao dịch dân sự nên bạn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc thỏa thuận lãi suất cho vay (trừ trường hợp là tổ chức tín dụng). Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất:

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

 

Như vậy về lãi suất thì bạn không cung cấp rõ thông tin là lãi suất 150 000 trên 1 000 000 đồng là trong thời gian bao lâu nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể. Hiện nay với mức lãi suất là 20%/năm tương ứng với 1.67%/tháng và nếu tính trên 1 000 000 đồng thì một tháng số lãi có thể thỏa thuận tối đa là 16 700 đồng. Nếu khởi kiện ra Tòa án mà mức lãi suất cao hơn mức lãi suất Nhà nước cho phép thỏa thuận thì Tòa án sẽ điều chỉnh mức lãi suất là 20%/năm.

 

Nếu mức lãi suất quá cao thì có thể cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

 

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất trở lên quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về trường hợp vay mượn tiền không chịu trả . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Trương Việt Hà - Công ty Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo