Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Hỏi về tranh chấp lối đi chung giữa các hộ gia đình

Câu hỏi: Kính chào Luật sư. Vui lòng tư vấn cho tôi về việc nhà hàng xóm kiện tranh chấp lối đi chung và họ yêu cầu nhà tôi trả lại lối đi chung mà họ cho là đất của họ. Sự việc như sau : Nhà tôi có một thửa đất nông nghiệp trồng cây ăn trái (Tôi đặt tên là Đất số 1) sử dụng trên 30 năm do ông bà để lại.

Đất số 1 bị bao bọc bởi con suối chắn ngang và 2 thửa đất liền kề khác là nhà của ông E và ông F. Lối ra của đất số 1 này là buộc phải đi qua cầu tre do nhà tôi làm bắt qua con suối và không còn con đường nào khác để đi ra. Sau khi qua con suối thì phải đi qua lối đi A rồi quẹo phải qua lối B thì mới ra được trục đường chính. Lối đi A và B cũng đã tồn tại trên 30 năm không có tranh chấp. Mặt khác, lối đi ra trục đường chính của nhà ông E và ông F là lối đi khác nhưng xa nên nhà tôi có cho nhà ông E và ông F đi hộ băng qua đất số 1 để đi qua cầu tre đi chung qua lối đi A và B ra trục đường chính.  Sau đó nhà tôi mua thêm 2 thửa đất nông nghiệp liền kề (theo cạnh vuông) của 2 chủ hộ khác nhau là thửa đất của ông A (Tôi đặt tên là Đất số 2) và thửa đất của ông B (Tôi đặt tên là Đất số 3) và sử dụng khoảng trên 20 năm. 2 thửa đất này giáp ranh với 1 thửa đất theo cạnh vuông với thửa đất của ông C được phân cách bởi 2 lối đi chung nối dài. Và gia đình tôi cất nhà để ở trên thửa đất số 2 và xây chuồng nuôi heo trên thửa đất số 3. Tuy nhiên, vì 3 thửa đất nhà tôi là đất nông nghiệp trồng cây ăn trái lâu năm, sổ đỏ  được cấp cách đây trên 20 năm, chỉ thể hiện số thửa và số mét vuông mà không thể hiện cột mốc cũng như không thể hiện chiều dài và chiều rộng và lối đi chung trên sổ đỏ. Theo đó, thửa đất số 1 giáp ranh theo hướng Nam ra hướng Bắc với thửa đất của ông C và được phân cách bằng lối đi chung với chiều rộng là 1m (gọi là lối đi A). Lối đi A đi từ hướng Đông đến hướng Tây. Thửa đất số 2 thì giáp ranh theo hướng Tây ra hướng Đông với thửa đất của ông C và được phân cách bằng lối đi chung với chiều rộng là 1.5m (gọi là lối đi B). Trên lối đi B, nhà tôi có dựng cổng sắt xác mặt đường chính để phòng tránh trộm cắp. Cửa cổng này dựng giáp ranh với thửa đất của ông C và không có tranh chấp. Lối đi A nối liền với lối đi B theo cạnh vuông để ra trục đường chính. Hai lối đi nối này đã tồn tại trên 30 năm và nhà ông C không đi ra lối này mà chỉ có nhà tôi sử dụng cùng với nhà ông E và ông F. vì thửa đất nhà ông C giáp với mặt tiền đường, nên ông C có lối đi riêng ra trục đường chính (gọi là lối ra C1). Một thời gian sau kể từ 4 năm trước đến nay, nhà ông C không sinh sống trên thửa đất này nữa mà họ dọn về làng ở và lâu lâu họ mới vào chăm sóc cây ăn trái để thu hoạch. Nên họ đã rào chắn lối ra C1 nhà họ và mở cổng ra ngay trên lối đi B và ra cổng sắt nhà tôi dựng để ra trục đường chính. Vào năm 2015, Uỷ ban xã có thông báo đến các chủ hộ tiến hành làm hồ sơ cấp lại sổ đỏ để phân cột mốc, ranh giới thửa đất. Và ông C đã hoàn tất thủ tục và được cấp lại sổ đỏ, theo đó khi bên địa chính xuống đo đất để xác định lại cột mốc thì ông C nói người đo đất của bên địa chính đo luôn cả lối đi chung số 1 và số 2 là phần đất của họ nên trên sổ đỏ của thửa đất ông C có thể hiện lối đi chung là thuộc đất của ông C. Nay, nhà ông C dựa vào sổ đỏ làm đơn khởi kiện tại Uỷ ban xã yêu cầu nhà tôi trả lại 2 lối đi A và B và họ muốn rào chắn lại 2 lối đi này không cho nhà tôi sử dụng nữa. Bên uỷ ban xã đã mời nhà tôi lên giải quyết vụ việc kiện của ông C nêu trên có sự chứng kiến của một số chủ hộ liền kề khác sinh sống lâu năm làm chứng. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Uỷ ban xã xác nhận là vì đã không xác minh thực tế nên đã đo nhầm lối đi chung thuộc về thửa đất của ông C. Và ông C đã đính chính lại rằng hồi xưa lối đi A chiều rộng 1 mét thuộc đất nhà họ đã dành ra làm lối đi cho đất số 1 nhà tôi đi, còn ở lối đi B chiều rộng 1.5 mét, thì có 1 mét là thuộc đất của họ do hồi xưa đã dành 1m làm lối đi chung cho thửa đất số 1 (nhà tôi), số 2 (nhà ông A) và số 3 (nhà ông C). Vậy nên ông C đề nghị nhà tôi bây giờ phải trả lại 1 mét đất trên lối đi A và B, nhưng họ không chứng minh được việc 1 mét đất họ dành ra làm lối đi chung là của họ. Tuy nhiên nhà tôi cũng đồng ý trả lại 1 mét đất trên lối đi 2 theo yêu cầu của họ và nhà tôi sẽ dời cửa cổng qua 1 mét và sẽ rào chắn để mỗi bên có lối đi riêng và yêu cầu ông  C mở lại lối ra C1 trước mặt tiền đường nhà họ như trước đây, không đi chung cổng nhà tôi nữa nhưng ông C không đồng ý. Họ yêu cầu trả lại 1 mét cho họ, đồng thời không cho nhà tôi rào ngăn lại mà vẫn để nhà họ sử dụng ra cổng sắt nhà tôi dựng đồng thời không được phép cho xe tải chạy vào vì lý do làm hư đường. Do nhà tôi nuôi heo nên xe tải phải chạy vào để giao cám heo và để cân bán heo. Tại uỷ bản Xả, do hoà giải không thành nên họ đang tiếp tục gửi đơn kiện lên Uỷ ban Huyện để giải quyết. Trên đây là nội dung vụ việc, tôi xin trình bày sự việc trên để xin được Luật sư tư vấn cho nhà tôi phải làm như thoả thuận như thế nào theo đúng quy định pháp luật. Tôi xin hỏi ông C có được quyền đòi lại 1 met đất trên lối đi A và B không nếu họ chứng minh được 1 mét đất đó là của họ vì lối đi này đã tồn tại trên 30 năm? Nếu nhà tôi trả lại 1 mét đất đó thì nhà tôi có được rào chắn phần 0.5m còn lại trên lối đi B để làm lối đi riêng cho nhà tôi cùng với nhà ông E và nhà ông F? Hoặc cả hai lối đi A và B, thì nhà tôi và nhà ông B có được phép thoả thuận chia đôi để rào chắn làm lối đi riêng của mỗi bên không? Tôi mong được sự tư vấn của Luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Nếu gia đình ông C có các căn cứ có thể chứng minh được lối đi này thuộc quyền sử dụng của gia đình ông C thì UBND sẽ công nhận, còn nếu không chứng minh được thì đương nhiên lối đi này không thuộc quyền sử dụng của gia đình ông C.

 

Việc gia đình bạn sử dụng lối đi này trên 30 năm không được coi là căn cứ xác lập quyền sử dụng của mình với lối đi đó nếu lối đi này được xác định là tài sản thuộc quyền sử dụng của đối tượng khác đã được pháp luật công nhận.

 

Đối với việc gia đình bạn muốn làm rào chắn trên lối đi B: Điều 176 BLDS 2015 quy định về Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:

 

Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản

 

1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

 

2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

 

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

….

 

Căn cứ vào quy định này thì bạn chỉ được xây dựng rào chắn trên phần đất thuộc quyền sử dụng đất của gia đình bạn. Nếu bạn và các gia đình còn lại thỏa thuận được về việc xây dựng rào chắn thì sẽ căn cứ vào thỏa thuận đó để tiến hành việc xây dựng rào chắn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về tranh chấp lối đi chung giữa các hộ gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia Vũ Thị Yến - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo