Luật sư Trần Khánh Thương

Hỏi về thừa kế theo di chúc

Chào luật sư! Em có 1 vấn đề đang rất băn khoăn xin nhờ luật sư hổ trợ và giải đáp giúp em: Trước đây ông bà nội em có 10 người con và 1 căn nhà cấp 4, diện tích là 150m2, tài sản này là tài sản chung của ông bà nội. Năm 2008, ông bà em sang định cư tại Nước ngoài và đã lập di chúc cho lại căn nhà trên cho 6 người con còn ở lại Việt Nam (4 người đang định cư tại nước ngoài không có tên trong di chúc).

 

Với điều kiện là khi nào bán thì phải có đầy đủ chữ ký của 06 người đồng đứng tên và những ai có tên trong di chúc đó nếu không có nhà để ở thì đều được phép về ở trong căn nhà trên.

- Hiện tại 05 người kia đều có nhà ở, chỉ duy nhất 1 người đang ở trong căn nhà đó từ trước đến nay (không chịu mua nhà mặc dù có tài sản riêng gửi ngân hàng vì mục đích muốn chiếm dụng căn nhà trên làm của riêng ).

- Năm 2009, vì bị phạm một phần vào lộ giới (nhà nước làm đường) nên căn nhà trên phải xây cất lại, và tiền xây cất là do 04 người con ở nước ngoài gửi tiền về xây cất, với ý định ban đầu là căn nhà trên sẽ làm nơi thờ cúng tổ tiên và căn nhà đó giờ là 1 căn nhà khang trang một trệt, 1 lầu, tọa lạc trên 1 con đường sầm uất, tấp nập người buôn kẻ bán, và người đang ở trong căn nhà đó bấy lâu nay lấy mặt bằng đó kinh doanh thu lợi về cho riêng cá nhân mình (trước giờ không cho ai vào ở chung trong căn nhà trên mặc dù lúc đó người đó không có nhà để ở, tiền nhà nước bồi thường phần đất giải tỏa làm đường cũng tiêu xài 1 mình không chia cho những người kia).

Luật sư cho em hỏi:

1/ Nếu người đang ở và hưởng lợi trực tiếp từ ngôi nhà đó không chịu bán nhà để chia phần cho những người còn lại thì 01 trong 05 người còn lại có được quyền đơn phương kiện ra tòa để đòi phần quyền lợi của mình được không.

2/ Người đang ở trong căn nhà đó từ trước đến giờ nói là do mình ở lâu nên có công giữ gìn căn nhà (mặc dù đang hưởng lợi từ căn nhà trên vì giá cho thuê mặt bằng phía trước hiện nay vào khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, nhưng người đó lấy mặt bằng trên để kinh doanh thu lợi riêng) và không chịu bán nhà với 1 điều kiện là nếu bán thì phần của mình phải được hưởng từ 30-50%/tổng giá trị căn nhà , 70% còn lại sẽ chia đều 09 phần cho những người còn lại (bao gồm 05 người có tên trong di chúc và 04 người ở nước ngoài không có tên trong di chúc).

Vậy nếu khi bán, 04 người ở nước ngoài có được chia đều hay không (04 người này không có tên trong di chúc) vì đã cho rằng mình có gửi tiền về xây cất căn nhà mới được khang trang như ngày hôm nay.

3/ Nếu khi bán thì giá trị căn nhà được chia tính theo giá trị khi cho (nhà cấp 4) hay tính theo giá trị thực tế như hiện nay.

Luật pháp quy định như thế nào về quyền thừa kế vì theo như em hiểu thì người hiện đang ở trong căn nhà đó sẽ được quyền mua lại căn nhà trước tiên với giá nhà nước quy định và những người không có tên trong di chúc thì không có quyền đòi hỏi quyền lợi trong căn nhà trên (chỉ trừ trường hợp thỏa thuận gia đình cho có tình có nghĩa) như vậy có đúng không ạ.

Mong luật sư trả lời giúp em trong thời gian sớm nhất. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Hỏi về thừa kế theo di chúc

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do bạn không cung cấp rõ thông tin ông bạn đã mất hay chưa và mất vào thời gian nào do đó nếu ông bà bạn mất sau ngày 1/1/2017 thì vấn đề phân chia di sản thừa kế của ông bà bạn được áp dụng theo các quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

 

Thứ nhất, về quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế

 

Khoản 1, Điều 611 BLDS 2015 quy định:

 

“1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”

 

Theo đó, sau khi người để lại di chúc mất thì người thừa kế mới có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

 

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là ba mươi năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 Bộ luật dân sự 2015). Sau thời hạn ba mươi năm, kể từ ngày người để lại di sản mất mà những người thừa kế không yêu cầu hưởng thừa kế thì sẽ mất quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế (trừ trường hợp những người đồng thừa kế đã có văn bản thoả thuận về việc đây là tài sản chung chưa chia).

 

Do đó, nếu 1 người không đồng ý bán tài sản thì những người thừa kế còn lại có quyền yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo di chúc.

 

Thứ hai, Về việc phân chia di sản thừa kế

 

Khi bán tài sản trên để phân chia theo di chúc thì mỗi người thừa kế có quyền hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau vì di chúc chỉ nói là để lại cho 6 người con chứ không quy định rõ mỗi người được hưởng bao nhiêu %. Đối với giá trị căn nhà trên, nếu những người con ở nước ngoài có căn cứ chứng minh về việc mình đã có công sức đóng góp để tạo lập tài sản này thì khi phân chia sẽ được hưởng một khoản tiền tương ứng với công sức đóng góp. Nếu không chứng minh được thì phần giá trị tài sản đó vẫn thuộc về những người thừa kế theo di chúc.

 

Thứ ba, giá trị của di sản thừa kế được xác định theo giá cụ thể của di sản đó tại thời điểm chia.

 

Thứ tư, về quyền của người quản lý di sản theo BLDS 2015

 

Điều 618. Quyền của người quản lý di sản

 

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

 

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

 

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

 

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

 

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

 

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

 

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

 

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

 

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.”

 

Như vậy, không có quy định nào về vấn đề ưu tiên cho người đang trực tiếp quản lý di sản được mua di sản thừa kế với giá nhà nước.

 

Thứ năm, về quyền thừa kế

 

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người không có tên trong di chúc thì không phải người thừa kế và không được hưởng di sản thừa kế, trừ trường hợp:

 

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

 

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về thừa kế theo di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

 

Bài viết liên quan:
>>  Tư vấn pháp luật thừa kế
>>  Mẫu thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
>>  Mẫu đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế.
>>  Tư vấn pháp luật Thừa kế qua tổng đài điện thoại

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo