Hoài Nam

Hỏi về mua bán đất cấp cho hộ gia đình

Xin cho tôi hỏi về mua bán đất đai được cấp cho hộ gia đình như sau: Vào năm 1993 nhà nước có cấp cho gia đình tôi diện tích 7 sào ruộng gồm 4 nhân khẩu bố mẹ, chị tôi và tôi. Vào năm 2007 nhà nước dồn điền đổi thửa và hộ nhà tôi được quy hoạch làm khu trang trại chăn nuôi và được cấp sổ đỏ.

 

Hiện tại tôi đã lấy vợ và ở cùng ông bà. Vào đầu năm 2016 bố tôi đã bán khu trang trại mà không qua ý kiến tôi và hợp đồng không có chữ kí của tôi. Vậy tôi có quyền đòi lại diện tích đó không? Bố tôi nói sẽ mua trả suất của tôi ruộng chỗ khác nhưng tôi không nghe muốn giữ lại trang trại đó lại cho gia đình. Vậy tôi có quyền lợi như thế nào trong trường hợp này. Và tôi phải làm như thế nào là đúng. Trong khi đó tôi đã thông báo cho người mua biết là không bán. Nhưng người ta vẫn đưa tiền cho bố tôi và viết hợp đồng không có sự đồng ý của tôi.

 

Trả lời: 

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Bạn không nói rõ năm 2007 gia đình bạn được cấp sổ đỏ là cho cá nhân hay hộ gia đình. Tuy nhiên căn cứ theo những thông tin mà bạn cung cấp thì chúng tôi hiểu là ở trong trường hợp này, sổ đỏ đã được cấp cho hộ gia đình. Vào thời điểm cấp sổ đỏ năm 2007, nếu tên của bạn có trong sổ hộ khẩu thì bạn có quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt khu trang trại. Cụ thể, Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

 

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

 

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

 

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

 

Vì thế, việc bố của bạn bán khu trang trại mà không thông qua ý kiến của bạn, không có chữ ký của bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Bạn có thể gửi đơn đến Tòa an để yêu cầu tuyên giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bố bạn và người kia do vi phạm về quyền của chủ thế giao dịch và vi phạm về hình thức hợp đồng. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 117 và 122 – BLDS 2015 như sau:

 

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

 

Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

 

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về mua bán đất cấp cho hộ gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo