Nguyễn Thị Lan Anh

Hỏi về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật

Lãi suất được hiểu là tỷ lệ tiền lại mà người vay phải cho bên cho vay theo thỏa thuận hoặc do áp đặt ý chí của một bên. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hiện các giao dịch cho vay rất ít trường hợp tuân thủ giới hạn lãi suất mà pháp luật quy định? Vậy, theo pháp luật hiện hành, lãi suất cho vay được quy định như thế nào?

1. Luật sư tư vấn quy định về lãi suất:

Lãi suất luôn là một vấn đề nóng hổi được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp lãi suất đều đáp ứng điều kiện luật định.Theo đó, bạn cần nắm rõ những quy định hiện hành của pháp luật có liên quan từ đó xác định lãi suất mà bạn giao dịch có phù hợp hay không. 

Trường hợp bạn còn thắc mắc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn về các vấn đề như:

- Thế nào là lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật?

- Quy định xử lý hành vi vượt quá lãi suất?

- Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vượt quá lãi suất?

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây về trường hợp xác định lãi suất gói vay tiêu dùng để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Luật sư tư vấn về lãi suất gói vay tiêu dùng:

Nội dung tư vấn: Luật sư cho hỏi thắc mắc về lãi suất cho vay theo quy định pháp luật như sau: Hiện tại, em có vay gói vay tiêu dùng của một ngân hàng và họ tự làm hợp đồng trên hợp đồng em mua ipad trả góp. Lỗi của em là không hỏi lãi suất cho vay bên ngân hàng. Khi nhận tiền tại bưu điện thì thay vì nhận 24 triệu đồng thì em chỉ nhận dc 18 triệu đồng và em phải trả góp thành 1.589.000đ/ 1 tháng  cho 27 tháng và cộng phí 11.000đ theo lời nhân viên. Em có tham gia nộp đầy đủ, và một lần nộp chậm do nhờ người quen đi nộp, nhưng họ quên và em có nộp đầy đủ sau đó. Lần này, em nộp chậm 3 tháng vì em chuyển chỗ ở, nơi làm việc,điện thoại ko nhận bất cứ tin nhắn nào thông báo. Đợt vừa rồi bên viện kiểm sát lên cơ quan cũ, chị bạn em gọi em mới biết mình bị đòi tiền vì nộp chậm. Trong hoàn cảnh này em muốn dc tư vấn và tim cách giải quyết, em nên ra ngân hàng trao đổi hay làm việc với bên viện kiểm sát. Vì hiện tại em ở xa và ko tiện lên làm việc. Với số tiền em vay là 24 triệu đồng theo hợp đồng bằng mồm của bạn chuyên viên ngân hàng tư vấn. Em đang phải nộp hàng tháng là 1.589.000 đồng và 11.000 đồng phí thu là có bị tính phí lãi suất cao, vì có lần em thắc mắc nhưng nhân viên trả lời vòng vo. Em vẫn cố trả nhưng giờ khả năng em bị chậm vậy thì như nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau:

“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức của Giao dịch dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”

Điều 385 Bộ luật dân sự quy định về hợp đồng như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Như vậy, giao dịch vay tiền giữa bạn và ngân hàng được xác định là giao dịch dân sự, do đó nếu giao dịch giữa bạn và ngân hàng mặc dù được giao kết bằng miệng nhưng đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch quy định tại ĐIều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì vẫn sẽ phát sinh hiệu lực. Ngoài ra, hiện nay pháp luật dân sự không có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng vay giữa cá nhân với ngân hàng. Do đó, bạn có thể yêu cầu ngân hàng xem xét lại hình thức của hợp đồng vay giữa bạn với nhân viên ngân hàng như vậy có phù hợp với quy định của chính ngân hàng đó hay không.

Trong trường hợp của bạn, ngân hàng là một tổ chức tín dụng do đó vấn đề lãi suất giữa bạn với ngân hàng sẽ tuân theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 mà không áp dụng theo quy định về lãi suất cơ bản giữa cá nhân với cá nhân tại Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, tại Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định về Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:

“1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.”

Như vậy, lãi suất vay trong trường hợp của bạn sẽ do các bên tự thỏa thuận, ngân hàng sẽ niêm yết công khai mức lãi suất cho vay tối đa tại ngân hàng do đó bạn cần liên hệ lại với ngân hàng và kiểm tra lại mức lãi suất tối đa được ngân hàng niêm yết tại trụ sở là bao nhiêu để xác định mức lãi suất người nhân viên kia áp dụng với bạn có vượt quá lãi suất ngân hàng cho phép hay không. Nếu vượt quá bạn có thể yêu cầu ngân hàng xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng quy định về Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất như sau:

“1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.

2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.”

Nếu bạn không thể thực hiện việc thanh toán cho ngân hàng theo đúng thỏa thuận thì bẹn nên liên hệ lại với ngân hàng và thỏa thuận gia hạn thêm thời gian với họ, nếu hai bên thỏa thuận không thành thì ngân hàng có thể xử lý theo quy định đã nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật dân sự trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng

Ngọc Giang - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo