Luật sư Trần Khánh Thương

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất bị xử lý thế nào?

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Vậy khi cá nhân, tổ chức kinh doanh cần có biện pháp gì để bảo vệ môi trường, hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như thế nào?

Yêu cầu tư vấn: Bên cạnh nhà tôi có hộ kinh doanh trứng, thường xuyên gây mùi hôi tanh, không có hầm chứa nước thải, thường xuyên xả ra môi trường, không có các dụng cụ và lò chứa trứng chuyên dụng để giảm mùi, tổ dân phố đã nhắc nhở nhưng không khắc phục, điều đó làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và đặc biệt sẽ là nguyên nhân phát sinh nguồn bệnh. Xin hỏi tôi phải làm sao? nếu nộp đơn tố cáo thì nộp ở đâu và họ sẽ giải quyết ở mức độ nào? xin cảm ơn

Nội dung tư vấn: Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Dựa trên câu hỏi của Quý khách, công ty Luật Minh Gia đưa ra nội dung tư vấn như sau:

- Hành vi làm ô nhiễm môi trường của hộ kinh doanh lân cận:

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì hộ kinh doanh cạnh nhà bạn đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết trong quá trình sản xuất và kinh doanh dẫn đến mùi hôi tanh, đồng thời không có hầm chứa nước thải, thường xuyên xả thải ra môi trường. Căn cứ theo Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường 2014 (còn hiệu lực đến năm 2022) thì:

“Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;

đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, nếu không có lò chuyên dụng để giảm thiểu mùi hôi thì đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo vệ môi trường. Hoạt động của hộ kinh doanh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình bạn, bạn có thể thực hiện tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.”

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và thiệt hại trong thực tế, bạn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra chuyên ngành, Ủy ban nhân dân để yêu cầu xử lý vi phạm.

- Về mức xử phạt:

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP như sau: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đồng thời phải có biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu:

- Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật;

- Buộc tháo dỡ hoặc di dời cây trồng, công trình, phần công trình xây dựng trái quy định về bảo vệ môi trường; buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, nhà ở, lán trại xây dựng trái phép trong khu bảo tồn;

- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định,...

Bên cạnh đó tùy theo mức độ thiệt hại trên thực tế, hộ kinh doanh đó có thể bị truy cứu trách nhiệm về hình sự. Căn cứ theo Điều 235 BLHS 2015 thì: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên”.

Chế tài xử phạt cụ thể đối với hành vi của Hộ kinh doanh hàng xóm cần dựa trên kết quả kiểm tra, thẩm định của cơ quan có thẩm quyền để xác định hành vi vi phạm, mức độ, hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo