Luật sư Trần Khánh Thương

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng? Bảo đảm hợp đồng quy định thế nào?

Bảo lãnh là việc người thứ ba ( bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền ( bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ ( bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

1. Khái niệm về bảo lãnh

Theo từ điển tiếng Việt, bảo lãnh được hiểu theo nghĩa: “bảo đảm cho (một cá nhân hoặc tổ chức) làm một việc hoặc hưởng một quyền lợi có gắn với nghĩa vụ, chịu trách nhiệm nếu (cá nhân hoặc tổ chức ấy) sau này không thực hiện nghĩa vụ”. Từ định nghĩa này cho thấy, dưới góc độ kinh tế, bảo lãnh là việc một người đứng ra đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của người khác. Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện được thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm cho việc không thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015), bảo lãnh được định nghĩa như sau: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Theo đó, bảo lãnh là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự; khác với cầm cố, thể chấp và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác, trong bảo lãnh có sự xuất hiện của chủ thể thứ ba ngoài bên có quyền và bên có nghĩa vụ đó là bên bảo lãnh.

2. Chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh

Từ khái niệm về bảo lãnh theo quy định tại BLDS năm 2015, quan hệ bảo lãnh là một quan hệ pháp luật có sự tham gia của ba bên, bao gồm: bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh.

Để được tham gia vào quan hệ bảo lãnh, các cá nhân, tổ chức phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về chủ thể mà pháp luật dân sự quy định, đó là phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Đối với cá nhân, năng lực pháp luật dân sự có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo quy định tại Điều 20 BLDS năm 2015, người thành niên (từ đủ 18 tuổi) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với tổ chức thì phải là tổ chức có tư cách pháp nhân mới là chủ thể được tham gia vào quan hệ bảo lãnh.

Mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể nhưng đối với người bảo lãnh, ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện của một chủ thể tham gia giao dịch dân sự thì còn có thể phải đáp ứng các yêu cầu khác như: (i) Có uy tín hoặc (ii) Có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình hoặc (iii) Vừa có uy tín, vừa có tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

3. Phạm vi bảo lãnh

Phạm vi bảo lãnh là giới hạn về nghĩa vụ ràng buộc giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh trên cơ sở cam kết và sự chấp thuận cam kết của các bên trong hợp đồng bảo lãnh. Theo quy định tại Điều 336 BLDS năm 2015 về phạm vi bảo lãnh như sau:

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.”

Theo đó, giới hạn nghĩa vụ của bên bảo lãnh phải thực hiện đối với bên nhận bảo lãnh có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên có quyền. Trong quan hệ dân sự, pháp luật luôn đề cao sự tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên, đối với quan hệ bảo lãnh cũng không ngoại lệ. Bên bảo lãnh có thể cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trên cơ sở nghĩa vụ bảo lãnh, bao gồm: tiền nợ gốc, tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, tiền lãi trên số tiền châm trả.

4. Hợp đồng bảo lãnh và chấm dứt bảo lãnh

Những thỏa thuận của các bên tham gia vào quan hệ bảo lãnh có thể được thể hiện thông qua hợp đồng bảo lãnh. Hợp đồng bảo lãnh là văn bản thỏa thuận được giao kết giữa bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện các nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu họ không thực hiện được khi đến thời hạn hoặc không có khả năng thực hiện. Hợp đồng bảo lãnh cũng có thể chỉ được ký giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh.

Theo quy định tại Điều 343 BLDS năm 2015, bảo lãnh được chấm dứt trong 04 trường hợp sau:

- Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Theo thỏa thuận của các bên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo