Luật gia Nguyễn Nhung

Hỏi trường hợp thừa kế đất đai, quyền sử dụng đất mà ông bà để lại

Luật sư tư vấn về thừa kế khi di chúc miệng vô hiệu và thừa kế thế vị

 

Chào luật sư, công ty Luật Minh Gia, tôi muốn hỏi (khi ông bà mất không có di chúc), nội dung cụ thể như sau: bà nội tôi có năm người con, 3 nam 2 nữ trong đó bác cả (đã mất) là con riêng, cô chú tôi đều lập gia đinh và ra ở riêng duy chỉ có ba tôi ở với nội, do ba mẹ tôi có mâu thuẫn nên đã ly hôn. Đến năm 1997, ba lấy vợ khác và ra ở riêng. Tôi và em gái ở lại sống với nội. Năm 2008, ba lâm bệnh mất nhưng không để lại di chúc. Năm 2011, tôi trúng nghĩa vụ quân sự, đầu năm 2012 đang tại ngũ thì nội mất. Cuối năm 2012, tôi mãn nghĩa vụ về ở nhà nội để thờ phụng đến bây giờ, em gái cũng đả lấy chồng. Vậy tôi muốn luật sư cho tôi được biết quyền lợi của tôi và em gái tôi trong trường hợp này là như thế nào? Tôi và em gái tôi có thuộc hàng thừa kế như cô chú tôi không? Ba tôi và bác tôi đã mất có được hưởng thừa kế không và nếu được thì ai là người nhận thừa kế của ba tôi và bác tôi? Được biết rằng tất cả mọi người trong gia đình tôi đều xác nhận là trước khi mất nội tôi đã nói ''tài sản chia thành 2 phần, năm người con và em gái tôi chia đều còn lại phần kia là dành cho tôi coi như làm vốn để tôi lập nghiệp''. Tôi rất mong luật sư giải đáp pháp luật cho tôi để tôi có hướng giải quyết vấn đề.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

 

1. Bạn và em gái không cùng hàng thừa kế với cô chú bạn.

 

Điều 676 Bộ luật sự 2005 quy định: 

 

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

 

Do đó, đối với việc thừa kế di sản của bà bội bạn để lại thì bạn và em gái thuộc hàng thừa kế thứ hai, cô chú bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. 

 

2. Bố và bác cả của bạn vẫn được hưởng thừa kế. Bạn và em gái là người nhận thay bố bạn, con của bác cả sẽ nhận thay bác cả

 

Căn cứ Điều 677 Bộ luật dân sự 2005 về thừa kế thế vị thì:

 

"Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống". 

 

Theo đó, bà nội của bạn mất năm 2012, bố của bạn mất năm 2008. Do đó, bạn và em gái được hưởng phần di sản thừa kế mà bố bạn nếu còn sống sẽ được hưởng. 

 

Bác cả của bạn đã mất và cũng mất trước bà nội cho nên con của bác cả sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà nếu còn sông bác cả sẽ được hưởng. Việc bác cả là con riêng cũng không ảnh hưởng đến phần di sản mà lẽ ra bác được hưởng bởi theo quy định của pháp luật, các con đều được hưởng phần thừa kế như nhau. Trong trường hợp bác cả của bạn không có con thì phần thừa kế mà bác được hưởng sẽ chia đều cho những người còn lại của hàng thừa kế thứa nhất. Hoặc nếu bác có con nhưng con cũng mất trước bà nội thì cháu bác cả sẽ là người được thừa kế thế vị.

 

3. Quyền lợi của bạn và em gái trong trường hợp này

 

Trước khi chết, bà nội của bạn có nói: tài sản chia thành 2 phần, năm người con và em gái bạn chia đều, còn lại phần kia là dành cho bạn coi như làm vốn để bạn lập nghiệp. Đây được coi là di chúc miệng của bà nội bạn. Tuy nhiên, thì theo quy định của pháp luật thì di chúc miệng này vô hiệu. Bởi di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (khoản 5 Điều 652 Bộ Luật dân sự 2005). 

 

Hơn nữa, Điều 654 Bộ luật dân sự quy định những người sau đây không được làm người làm chứng cho việc lập di chúc:

 

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

 

- Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;

 

- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

 

Như vậy, những người làm chứng cho di chúc của bà nội bạn đã bao gồm cả những người được hưởng thừa kế. Và di chúc này có lẽ cũng không được ghi chép lại và công chứng nên di chúc miệng này không có hiệu lực pháp luật.

 

Do di chúc vô hiệu nên không bắt buộc phải chia di sản thừa kế theo di chúc. Nhưng nếu thành viên trong gia đình - những người thừa kế đồng ý với cách chia di sản theo di chúc miệng này, tức là việc những thừa thừa kế tự thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế thì bạn sẽ được hưởng một nửa di sản của bà nội để lại. Hoặc nếu thỏa thuận khác thì tùy theo thỏa thuận mà bạn sẽ phần thừa kế của bạn cũng sẽ khác.

 

Trong trường hợp mà những người thừa kế không thỏa thuận được thì bạn cùng em gái chỉ được hưởng một phần bằng phần di sản của bố bạn nếu còn sống sẽ được hưởng. Cụ thể, bà nội bạn có 5 người con, nếu bác cả của bạn có người thừa kế thế vị thì bạn và em gái được thừa kế 1/5 di sản của bà nội để lại, nếu bác cả không có người thừa kế thế vị thì bạn và em gái được hưởng 1/4 di sản của bà nội để lại.

 

Trân trọng!

Chuyên viên tư vấn: Trần Thị Kim Oanh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo