Nguyễn Ngọc Ánh

Hiệu lực pháp lí của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

TÔI CÓ MỘT VẤN ĐỀ VỀ PHÂN CHIA THỪA KẾ KHÔNG DI CHÚC MUỐN NHỜ TƯ VẤN. MẸ TÔI LÀ GIÁO VIÊN, SINH NĂM 1960. ĐẾN THÁNG 6 NĂM 2015 SẼ ĐẾN TUỔI VỀ HƯU NHƯNG THÁNG 3 NĂM 2015 MẸ TÔI MẤT ĐỘT NGỘT, KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC.


Nội dung yêu cầu: 

GIA ĐÌNH TÔI CÓ 4 NGƯỜI, MẸ TÔI ĐÃ MẤT, TÔI CÒN BA VÀ EM TRAI, BA TÔI HIỆN BUÔN BÁN TỰ DO, EM TRAI LÀ SINH VIÊN ĐẠI HỌC SÀI GÒN, TÔI ĐÃ RA TRƯỜNG VÀ CHƯA CÓ CÔNG VIỆC ỔN ĐỊNH. ÔNG BÀ NỘI ĐỀU ĐÃ MẤT, ÔNG NGOẠI CŨNG MẤT, CHỈ CÒN BÀ NGOẠI TÔI. BÀ NGOẠI TÔI SINH NĂM 1930 VÀ ĐÃ KHÔNG SỐNG CHUNG VỚI BA MẸ TÔI TỪ NĂM 1994 DO BẤT ĐỒNG TRONG CÁCH SỐNG, HIỆN BÀ Ở 1 MÌNH, LÂU NAY GIA ĐÌNH TÔI CŨNG RẤT HIẾM KHI THĂM HỎI BÀ,ĐẶC BIỆT LÀ BA TÔI VÀ EM TÔI TỪ ĐÓ ĐẾN NAY CHƯA BAO GIỜ GHÉ, CHỈ CÓ TÔI VÀ MẸ THĂM BÀ TỪ KHI BÀ BỆNH VÀI NĂM TRƯỚC. BÀ CŨNG NÓI LÀ KHÔNG CẦN TÀI SẢN GÌ, ĐỂ HẾT CHO CHỊ EM CHÚNG TÔI.
 
KHI MẤT MẸ TÔI CÓ 100 TRIỆU TIỀN THANH TOÁN NGHỈ VIỆC TỪ BẢO HIỂM XÃ HỘI, ĐƯỢC GỬI TIẾT KIỆM Ở NGÂN HÀNG, 1 SỔ HỒNG (NHÀ VÀ ĐÂT) ĐỨNG TÊN BA VÀ MẸ TÔI. 1 XE MÁY ĐỨNG TÊN MẸ TÔI.
 
THÁNG 8 NĂM 2015 BA TÔI CÓ NHỜ VP CÔNG CHỨNG MỞ VĂN BẢN PHÂN CHIA QUYỀN THỪA KẾ, THEO ĐÓ TOÀN BỘ TÀI SẢN BAO GỒM NHÀ ĐẤT, XE VÀ TIỀN GỬI NGÂN HÀNG CỦA MẸ TÔI SẼ DO BA TÔI ĐỨNG TÊN. TUY NHIÊN VĂN BẢN NÀY KHAI CẢ BÀ NGOẠI TÔI CŨNG ĐÃ MẤT TRƯỚC MẸ TÔI. BA TÔI NÓI DO BÀ NGOẠI ĐÃ NÓI KHÔNG MUỐN NHẬN THỪA KẾ VÀ CHỈ TẠM THỜI SANG TÊN CHO BA ĐỂ DỄ TRONG VIỆC RÚT TIỀN NGÂN HÀNG CŨNG NHƯ MUA BÁN SỬA CHƯA NHÀ SAU NÀY KHỎI PHẢI LÚC NÀO CŨNG ĐI 3 NGƯỜI NÊN TÔI VÀ EM TÔI CŨNG ĐÃ KÝ VÀO VĂN BẢN NÀY. SAU ĐÓ BA TÔI LÀM HỢP ĐỒNG BÁN VÀ SANG TÊN XE MÁY CHO TÔI, TÔI CŨNG ĐÃ LÀM XONG GIẤY TỜ XE MỚI ĐỨNG TÊN MÌNH.
 
SAU KHI LÀM XONG VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ NÀY. BA TÔI LÀM VĂN BẢN ỦY QUYỀN CHO TÔI GIẢI QUYẾT VIỆC THANH TOÁN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI SAU KHI MẸ MẤT (DO BÀ NGOẠI YÊU CẦU) NHƯNG GẶP TRỤC TRẶC DO VIỆC CHỨNG MINH THU NHẬP CỦA BÀ NGOẠI NÊN BA TÔI LẠI TỰ LIÊN HỆ BẢO HIỂM XÃ HỘI GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHO MẸ TÔI SAU KHI MẸ TÔI MẤT VÀ NHẬN ĐƯỢC TRỢ CẤP LÀ 317 TRIỆU. THEO TÔI ĐƯỢC BIẾT LÀ ĐỂ NHẬN SỐ TIỀN NÀY, BA TÔI PHẢI CHỨNG MINH BÀ NGOẠI CÓ THU NHẬP TỐI THIỂU 1 TRIỆU/ 1 THÁNG ĐỂ BA TÔI ĐƯỢC THANH TOÁN 1 LẦN. NGUYỆN VỌNG CỦA BÀ NGOẠI LÀ MUỐN SỐ TIỀN NÀY ĐƯỢC CHIA CHO CHỊ EM TÔI.
 
TUY NHIÊN HIỆN NAY, TOÀN BỘ SỐ TIỀN 400 TRIỆU BA TÔI ĐÃ GỬI TIẾT KIỆM TÊN ÔNG. BA TÔI CÓ Ý ĐỊNH BÁN NHÀ NHƯNG TÔI VÀ EM KHÔNG ĐỒNG Ý, BA TÔI VẪN ĐƯA NGƯỜI ĐẾN XEM NHÀ.
 
XIN HÒI:
 
1) NẾU BÂY GIỜ TÔI MUỐN PHÂN CHIA LẠI QUYỀN THỪA KẾ THÌ CÓ ĐƯỢC HAY KHÔNG? NẾU ĐƯỢC THÌ TÀI SẢN PHÂN CHIA BAO GỒM NHỮNG GÌ, CHIA NHƯ THẾ NÀO? TÔI CÓ ĐƯỢC QUYỀN ĐÒI LẠI QUYỀN THỪA KẾ CĂN NHÀ VÀ SỐ TIỀN  ĐÃ ĐỒNG Ý SANG TÊN CHO BA TÔI KHÔNG?
2) VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ KHAI THIỀU BÀ NGOẠI TÔI THÌ CÓ HIỆU LỰC KHÔNG? BA TÔI, EM TÔI VÀ TÔI CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC KÝ VÀO VĂN BẢN ĐÓ HAY KHÔNG? TÔI MUỐN MỞ LẠI VIỆC PHÂN CHIA THỪA KẾ THÌ NỘP ĐƠN HAY YÊU CẦU Ở ĐÂU?
3) NHỮNG TÀI SẢN KHÁC NHƯ VẬT DỤNG, NỘI THẤT TRONG NHÀ CÓ PHÂN CHIA KHÔNG HAY GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
4) NẾU EM TÔI VÀ BÀ NGOẠI KHÔNG MUỐN NHẬN THỪA KẾ THÌ PHẢI LÀM SAO? TÔI CÓ THỂ GIỮ THAY EM TÔI KHÔNG?
 
XIN CẢM ƠN. MONG NHẬN ĐƯỢC SỰ TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Điều 675 BLDS 2005 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“ 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

  1. Không có di chúc;

  2. ...”.

Mẹ của bạn mất đột ngột, không để lại di chúc thì toàn bộ di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật theo đúng tinh thần tại điểm a khoản 1 Điều 675 BLDS 2005.
 
Điều 676 BLDS 2005 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

“ 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Theo quy định trên, mặc dù bà ngoại của bạn không sống chung với bố mẹ bạn nhưng bà ngoại vẫn thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Vây, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bà ngoại bạn ( mẹ để của mẹ bạn); bố của bạn; bạn và e trai.

Ngoài ra, theo đúng quy định của pháp luật, thì cả 4 người đều có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản thừa kế do mẹ bạn để lại.

Thứ hai, về câu hỏi chị trường hợp này có phân chia lại di sản thừa kế được không?

Theo như bạn trình bày, di sản thừa kế bao gồm quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, 100 triệu tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và 1 chiếc xe máy đã được các chia bằng việc tiến hành phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng và có công chứng viên đóng dấu xác nhận.

Theo nội dung văn bản phân chia di sản thừa kế, thì toàn bộ di sản thừa kế đều chia cho ba của bạn và đã tiến hành sang tên toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, xe máy sang tên ba của bạn và bạn.

Điều 5 Luật công chứng năm 2014 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:

“ 1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.


Chiểu theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật công chứng năm 2014, trường hợp giao dịch được công chứng mà không bị Tòa án tuyên vô hiệu thì sẽ có giá trị chứng cứ. Tức trường hợp này tài sản theo nội dung của thỏa thuận thì bố của bạn hiện tại là chủ sở hữu của toàn bộ quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất. Nên bố của bạn sẽ có quyền định đoạt tài sản theo ý chí chủ quan ( tức tự mình bán) mà không cần có sự đồng ý của hai chị em.

Bạn muốn thay đổi lại nội dung văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng, chứng thực sẽ có hai phương án thực hiện như sau:

Phương án thứ nhất: Các bên tự thỏa thuận với nhau hủy văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được thỏa thuận trước thỏa thuận lại nội dung văn bản này.

Điều 51 Luật công chứng 2014 quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:

“ 1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.


Muốn sửa đổi, bổ sung nội dung đã thỏa thuận thì yêu cầu cần tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó đồng ý bằng văn bản. Việc tiến hành thỏa thuận lại được thỏa thuận tại VP công chứng nơi có BĐS trước đây và thủ tục được thực hiện như trước đây.

Phương án thứ hai: Yêu cầu Tòa án tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kể vô hiệu.

Một trong những đối tượng được liệt kê tại Điều 52 Luật công chứng năm 2014 đều có thẩm quyền yêu cầu Tòa án tuyên thỏa thuận vô hiệu. Thỏa thuận vô hiệu sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận trong hợp đồng.

Điều 52 Luật công chứng năm 2014 quy định về người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

“ Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.


Theo như chị trình bày, văn bản  thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã khai bà ngoại của bạn đã mất trước mẹ của bạn. Lời khai trên trái với thực  tại khách quan, tức bà của bạn vẫn còn sống nhưng bố bạn lại khai bà đã mất với lí do bà không muốn hưởng di sản thừa kế.

Và đây chính là căn cứ để bà của bạn, hoặc bạn yêu  cầu Tòa án tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu. Hậu quả của việc văn bản bị tuyên vô hiệu đã được phân tích ở trên.

Tuy nhiên, nếu các bên có thể thỏa thuận được với nhau theo phương án thứ nhất thì đây là phương án tối ưu hơn cả. Các đương sự trong vụ việc có thể lưu ý để áp dụng.

Điều 634 BLDS 2005 quy định về di sản thừa kế như sau:

“ Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.


Di sản thừa kế sẽ bao gồm tài sản riêng của người chết, và tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Như vậy, ngoài quyền sử dụng đất và tài sản gắn liến với đất; chiếc xe  máy và 100 triệu tiền tiết kiệm còn bao gồm các vật dụng trong gia đình là tài sản riêng của mẹ bạn và mua chung với bố của bạn,...

*Lưu ý: Về số tiền tử tuất một lần được BHXH chi trả, theo quy định tại Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2006 đó là khoản tiền thân nhân người chết được nhận. Và đây cũng được là di sản thừa kế của mẹ bạn để lại, và tiến hành chia như những di sản khác.

Thứ ba, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của chị.

Như đã trình bày ở trên, chính VP công chứng đã công chứng văn bản thỏa thuẫn sẽ có thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ văn bản công chứng. Tòa án quân, huyện nơi có nơi VP công chứng đặt trụ sở sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của bạn.

Các bên đã ký vào văn bản thỏa thuận sẽ phải có trách nhiệm khai báo đúng sự thật, kể cả bên công chứng cũng phải tiến hành công chứng theo đúng trình tự, đầy  đủ  thủ tục để tránh việc khai sót người trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Cuối cùng, nếu bà ngoại và em trai của chị không muốn nhận di sản thừa kế thì có thể tặng cho phần của mình cho đồng thừa kế khác trong quá trình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; hoặc có thể tiến hành thủ tục từ  chối nhận di sản thừa kế theo quy định tại điều 59 Luật công chứng 2014:

“ Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”.


Trường hợp em của bạn, nếu muốn bạn quản lí di sản thừa kế được nhận có thể lập “ giấy ủy quyền” và nội dung của văn bản đề cập tới việc bạn sẽ thay mặt em của bạn quản lí tài sản trong một thời gian do các bên thỏa thuận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hiệu lực pháp lí của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật gia Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo