Luật sư Trần Khánh Thương

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu về mặt hình thức theo BLDS 2015?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Ngày 30/3/2016, tôi có mua một lô đất trị giá 1,5 tỷ đồng (thửa đất đã có bìa đỏ, được bên bán tự chia thành 10 lô - không có xác nhận của bên phòng tài nguyên). Ngày 1/4 tôi đã chuyển trả 1,3 tỷ theo hợp đồng, tuy nhiên tôi lại chỉ làm hợp đồng viết tay, theo hợp đồng bên bán phải hoàn thiện thủ tục sang tên trong 2 tháng kể từ này giao tiền nhưng đến nay bên bán vẫn chưa có chút động thái gì.

 

Gần đây, tôi được biết lô đất tôi đã mua đang được đưa vào quy hoạch nên không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ được. Vậy trường hợp của tôi giải quyết như thế nào? Nếu muốn được hoàn lại tiền thì thủ tục như thế nào? Mong nhận được sự giúp đỡ của luật sư, Trân trọng cảm ơn.

 

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 
Theo quy định của  Luật đất đai năm 2013 về công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ quy định:
 
Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
...

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

 

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

 

Như vậy, đối với giao dịch về chuyển nhượng bất động sản thì bắt buộc phải có công chứng hợp đồng. Theo đó với trường hợp của bạn thì việc hai bên lập hợp đồng viết tay, không có công chứng- tức vi phạm về mặt hình thức. Theo đó, để giải quyết thì phải khởi kiện ra Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Bộ luật dân sự năm 2015:

 

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

 

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

 

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

 

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Thời điểm tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì hai bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó bên bán đã nhận tiền thì có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền cho bạn và bạn đang sử dụng đất thì có nghĩa vụ hoàn trả lại đất cho bên bán.

 

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

 

Trân trọng

P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo