Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Hành vi mua đồ ăn cắp và tiêu thụ đồ ăn cắp

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Thưa luật sư, Chồng em làm nghề mua bán điện lạnh, anh họ em dẫn đến 1 người khách bán cho chồng em 1 tủ lạnh và 1 máy giặt với giá la 2,5tr, tại thời điểm này chồng em không hề biết đây là đồ ăn cắp.

 

Đến chiều có 1 phụ nữ tự xưng là mẹ ruột của người bán đến xác nhận và đòi lại với lý do mẹ con bác ấy mâu thuẫn trong gia đình và người con ruột này lấy đồ của gia đình mang đi bán, bác ấy đòi chuộc lại, chồng em có đồng ý cho bác ấy chuộc với giá 2,5tr như ban đầu mua, bác ấy đồng ý nhưng mấy ngày không thấy xuống chuộc, chồng em mới mang bán cho người khác nhưng chưa lấy tiền của người vừa mua, hiện tại bác ấy đã gửi đơn kiện đến công an, với lý do chồng em biết đồ ăn cắp mà không trả lại còn mang đi bán, hiện nay tang vật chồng em đã mang lại về tiệm chờ xét xử, vậy chồng em có bị truy cứu trách nhiệm như thế nào ah. Em cảm ơn.

 

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Trước khi chồng bạn mua chiếc tủ lạnh với chiếc máy giặt trị giá 2,5 triệu đồng tại thời điểm này chồng bạn không hề hay biết đây là đồ ăn cắp mà có nên chồng bạn đương nhiên không vi phạm pháp luật, nhưng đến thời điểm mẹ ruột của người bán đến đòi lại đồ và có xác nhận là đồ này do con ruột trong gia đình lấy trộm mang đi bán thì đến lúc này chồng bạn phải hoàn trả lại chiếc tủ lạnh và máy giặt cho người chủ của nó. Theo như quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 quy  định về giao dịch dân sự vô hiệu như sau: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

 

“Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

 

Mà hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.”

 

Như vậy đối chiếu với các điều khoản mà pháp luật đã quy định thì việc khách hàng bán cho chồng bạn 1 chiếc tủ lạnh và 1 chiếc máy giặt trị giá 2,5 triệu đồng là tang vật của một vụ trộm đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật vì vậy mà giao dịch đương nhiên bị vô hiệu và các bên phải trao trả cho nhau những gì đã nhận. Chồng bạn phải có trách nhiệm trả lại 1 chiếc tủ lạnh và 1 chiếc máy giặt cho chủ của nó, còn người đã bán chiếc tủ lạnh và máy giặt cho chồng bạn phải có trách nhiệm trả lại cho chồng bạn 2,5 triệu đồng.

 

Nhưng đến thời điểm khi chồng bạn đã biết chiếc tủ lạnh và chiếc máy giặt là đồ do ăn trộm mà có mà chồng bạn vẫn bán cho người khác thì chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại  Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cụ thể là:

 

“ 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

                                                                                             

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…”

 

Như vậy chồng bạn đã vi phạm vào Khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

 

Đối chiếu theo Khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì chồng bạn có thể sẽ bị phạt từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của sự vi phạm và sự hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV. Quách Văn Toản - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo