LS Hoài My

Hàng hóa bị hư hỏng trên đường vận chuyển bên nào có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Hàng hóa bị hư hỏng trên đường vận chuyển do gặp sự cố tai nạn thì bên nào có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại số tài sản bị hỏng?

Nội dung tư vấn: Thưa Luật sư, bên tôi có thuê xe tải chở chậu gốm để giao hàng cho khách nhưng trên đường đi thì do có một phụ nữ băng đột ngột làm xe trước thắng gấp nên xe chở hàng không xoay kịp và thẳng gấp, đụng đích xe trước làm một số chậu của tôi bẻ ước tính 2 triệu. Bên tôi và chủ xe không có hợp đồng vận chuyển và biên lai chứng từ trả tiền gì, chỉ quen biết hợp đồng bằng miệng thôi. Sau khi giao số hàng còn lại cho xong, khi về chúng tôi chưa trả tiền thuê xe và tài xế (cũng chủ xe) bảo do chúng tôi chất hàng, lót không kỹ dẫn đến không đồng ý thỏa thuận mỗi bên chịu 1 triệu thiệt hài và còn đòi 200.000d tiền xăng dầu. Như vậy, trường hợp này về pháp lý, thì bên vận chuyển có trách nhiệm phải bồi thường cho chúng tôi toàn bộ hoặc một nửa vì chỗ làm ăn thường xuyên không, chưa kể uy tín và số hàng bị thiếu cho khách của chúng tôi? Chân thành cám ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

 

Điều 531 Luật này quy định Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản: “1. Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

 

2. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.

 

Và theo quy định tại Điều 534 thì bên vận chuyển có nghĩa vụ:

 

“1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

 

2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

 

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

 

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, hai bên thỏa thuận bằng lời nói với nhau về thuê vận chuyển, thỏa thuận này vẫn có giá trị pháp lý. Bên vận chuyển có nghĩa vụ phải giao đúng thời gian, địa điểm, bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản nếu không có thỏa thuận khác. Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ phải trả cước phí vận chuyển.

 

Đồng thời, Điều 541 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

"1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.

 

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

 

3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 

Và khoản 1 Điều 585 Bộ luật này quy định về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại: "Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

 

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất, hư hỏng, hủy hoại trong quá trình vận chuyển sẽ do bên vận chuyển chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, việc xảy ra sự hư hỏng tài sản là do sự cố trên đường vận chuyển tài sản thì có một xe đột ngột băng qua làm xe phía trước thắng gấp và xe sau (xe vận chuyển chậu gốm) đã không xoay kịp và thắng gấp nên đã đụng vào xe trước, vì vậy đã làm hỏng một số chậu gốm. Ở đây, nếu như xe vận chuyển chậu gốm có chú ý quan sát đường, kịp thời thắng gấp xe để không bị xảy ra tai nạn thì đây là trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, việc bị hỏng một số chậu gốm là ngoài ý muốn nên bên vận chuyên không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn ngược lại, đây là trường hợp xảy ra không phải do sự kiện bất khả kháng thì bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế. Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo