Luật sư Việt Dũng

Giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai và yêu cầu ly hôn đơn phương

Luật sư tư vấn về trường hợp có tranh chấp tài sản và yêu cầu ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin chào quý luật sưTôi có một số câu hỏi như sau 1. Mảnh đất của gia đình tôi hiện tại đang sinh sống được ông nội tôi xin cho bố tôi và bác tôi từ trước khi lấy mẹ tôi hồ sơ gốc ở chính quyền xã đứng tên của bác tôi ( diện tích 720m2). Năm 1987 bố mẹ tôi lấy nhau và có mua thêm được 1 phần nhỏ diện tích ( tổng là 920m2), đồng thời thực hiện nghĩa vụ đóng thuế từ đó đến nay. Hiện nay bác tôi về quê sinh sống và có thỏa thuận với bố tôi lấy lại 1/2 diện tích sử dụng đất của nhà tôi hiện tại. Gia đình tôi không ai đồng ý ( ngoài bố tôi). Vậy quý luật sư cho tôi hỏi như vậy bố và bác tôi có sai luật không? Bác tôi muốn lấy hết phần đất trong hồ sơ gốc (720m2) và được sự đồng ý của bố tôi thì có sai luật không? 2. Trong trường hợp tranh chấp kể trên vẫn chưa giải quyết được, mẹ tôi làm đơn ly hôn với bố tôi nhưng không được sự đồng ý của bố tôi có ly hôn được không. Mẹ tôi có thể chấp nhận không cần tài sản có thể giải quyết nhanh chóng được không. Tôi xin được tóm tắt qua hoàn cảnh gia đình của tôi: nhà tôi gồm bố, mẹ, chị gái ( đã lấy chồng và không sống ở nhà),tôi vợ tôi và con gái tôi ( đang sống cùng bố mẹ). Từ khi lấy nhau năm 1987 bố mẹ tôi sống không hòa thuận, nguyên nhân là do bố tôi lười lao động hay uống rượu và chửi mắng, đánh đập mẹ tôi. Mẹ tôi cũng nhiều lần viết đơn nhưng chưa lần nào đưa ra tòa, nguyên nhân do thương hai chị em tôi còn nhỏ và do bố tôi sau mỗi lần như thế lại xin lỗi và không đồng ý ly hôn.Đỉnh điểm cách đây 2 năm bố tôi còn dọa giết mẹ tôi ( khiến mẹ tôi phải đi ở nhờ 4 tháng), sau đó mọi người quen biết khuyên nhủ. Đến hiện tại khi anh của bố tôi về hưu và về quê sống hai người đã bàn nhau và tự ý chia đất ( có thể chiếm hết đất). Vậy nên điều mà cả gia đình tôi mong muốn nhất là giải quyết thủ tục ly hôn nhanh nhất. 3. Sau khi ly hôn mẹ sẽ ở cùng tôi, chúng tôi có sợ bị quấy rầy không? ( bố tôi có thể lấy cớ là đến chỗ con trai). Khi bố tôi về già mà yêu cầu tôi phải chu cấp tôi có phải thực hiện không.Tôi xin cảm ơn quý luật sư đã tư vấn giúp gia đình tôi!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, vấn đề mảnh đất của bố bạn và bác trai cần xác định xem trong thông tin người sử dụng đất ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên ai, đứng tên riêng mỗi bác hay đồng sở hữu của cả bác và bố. Đồng thời cần xác định khi ông cho bác và bố có giấy tờ chứng minh hay không? Bởi căn cứ theo quy định tại điều 167 Luật đất đai năm 2013 có nội dung sau:

 

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

 

Như vậy nếu phần diện tích 720 m2 chỉ đứng tên của bác thì bác sẽ được thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cho,.. còn nếu mảnh đất này đứng tên của bác và bố chỉ ghi bác đại diện hoặc ghi đồng sở hữu thì việc định đoạt diện tích này cần có sự đồng ý của cả bố và bác.Cần xác đinh thời gian bố tặng cho bác  phần diện tích đất này. Nếu như bố tặng cho bác trước thời kì hôn nhân thì khi này sẽ không cần sự đồng ý của mẹ vì khi này đây là tài sản riêng của bố bố có quyền định đoạt phần tài sản cho bác mà không cần sự đồng ý của những người khác. 

 

Vấn đề cần lưu ý ở đây là diện tích mua trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ khi đó đã tách một sổ riêng, hay ghi nhận ở trong giấy chứng nhận có ghi riêng hay không? Hiện nay diện tích này đang đứng tên ai? Bởi diện tích đất này xác định là tài sản chung của bố và mẹ nên bố mẹ đều có quyền định đoạt, quyền sử dụng mảnh đất này. Nếu bố và bác định đoạt phần diện tích này thì cần phải có sự đồng ý của mẹ mới hợp pháp. Trong trường hợp bố và bác định đoạt luôn phần diện tích này mẹ có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất đó.

 

Thứ hai, trong trường hợp bố không đồng ý mẹ bạn vẫn thực hiện việc yêu cầu giải quyết ly hôn. Căn cứ theo quy định tại điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

 

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

 Đối chiếu với vụ việc của gi đình bạn bố mẹ có nhiều mâu thuẫn bố hay uống rượu và chửi mắng, đánh đập mẹ như vậy có hành vi bạo lực gia đình Tòa án sẽ có căn cứ giải quyết  ly hôn đơn phương mặc dù bố không đồng ý.

 

Thứ ba, việc trông nom chăm sóc con và nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ sẽ được giải quyết như sau:

 

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

….

Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

 

Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

Như vậy sau khi ly hôn cha mẹ sẽ có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hay không có khả năng lao động,… Đồng thời con cái sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình. Khi này khi cha mẹ về già không còn khả năng lao động bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo