Hoàng Thị Kim Lý

Giải quyết rủi ro khi giao kết hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng

Bảo lãnh ngân hàng là gì? Hợp đồng bảo lãnh giao kết với ngân hàng quy định như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến bảo lãnh ngân hàng qua nội dung tư vấn sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật các tổ chức tín dụng

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận. Bảo lãnh ngân hàng là một hoạt động kinh doanh mang tính chất chuyên nghiệp.

Trong nền kinh tế hiện đại, hoạt động bảo lãnh ngân hàng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng và các tổ chức tín dụng ngày càng có uy tín hơn trong việc thực hiện hoạt động bảo lãnh. Bảo lãnh ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc tăng thêm nguồn vốn gốc cho các doanh nghiệp, thu hốt vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhờ có bảo lãnh mà các bên có thể tin tưởng tham gia ký kết các hợp đồng và có trách nhiệm với hợp đồng của mình đã ký kết.

Tuy nhiên, hoạt động bảo lãnh ngân hàng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như cơ cấu bảo lãnh chưa hợp lý bởi các bên tham gia quan hệ bảo lãnh thường phải ký nhiều hơn một hợp đồng để đảm bảo nghĩa vụ dân sự; tổn thất trong nghiệp vụ bảo lãnh còn lớn; hoạt động bảo lãnh còn gặp nhiều rủi ro;…

Vì vậy, để đảm bảo tối ưu quyền lợi của mình, bạn hãy tìm hiểu Luật các tổ chức tín dụng 2010 để nắm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng hoặc liên hệ với Công ty Luật Minh Gia chúng tôi qua Hotline 1900.6169 để chúng tôi tư vấn cụ thể hơn về:

- Thủ tục bảo lãnh ngân hàng;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh ngân hàng;

- Các loại hình bảo lãnh ngân hàng.

Ngoài ra, bạn tham khảo thêm tình huống chúng tôi cung cấp sau đây để tìm hiểu thêm và áp dụng vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn về bảo lãnh ngân hàng

Câu hỏi tư vấn: Gửi luật sư, tôi có vấn đề sau cần được tư vấn mong luật sư tư vấn giúp tôi: Công ty tôi là chi nhánh của công ty A làm về mảng thương mại xi măng. Ngày 26/12/2016, công ty tôi có ký hợp đồng bán xi măng số 1 cho công ty X, hiệu lực hợp đồng là từ 01/01/2017 đến 31/12/2017, đồng thời trong hợp đồng có yêu cầu về nội dung phải có bảo lãnh ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của công ty X số tiền 1 tỷ đồng và thời hạn thi hành  bảo lãnh là từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/01/2018, bên nhận bảo lãnh là công ty tôi, bên được bảo lãnh là công ty X. Điều khoản về phương thức thanh toán trong hợp đồng số 1 như sau: Chu kỳ thanh toán đối chiếu:

a) Thanh toán nhiều lần trong tháng, công ty X thanh toán cho công ty tôi giá trị tiền hàng đã nhận trong tháng.

b) Công ty X có trách nhiệm thanh toán toàn bộ giá trị công nợ của Hợp đồng này cho công ty tôi trước ngày 31/12/2017.

c) Trong trường hợp công ty X vi phạm các điều khoản về thanh toán trong hợp đồng này, và/ hoặc đến hết ngày 31/12/2017 mà công ty X không thanh toán hết toàn bộ công nợ này cho công ty tôi, thì công ty tôi có quyền đơn phương phát hành văn bản yêu cầu Ngân hàng (bên bảo lãnh) thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho công ty tôi mà không cần bất cứ sự giải thích, chứng minh nào khác.

d) Từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng tiếp theo, hai bên tiến hành ký Biên bản đối chiếu, xác nhận công nợ (bao gồm xác nhận số lượng xi măng giao nhận và công nợ phát sinh trong tháng) để làm cơ sở thanh quyết toán tiền hàng.

Ngoài ra hai bên cũng có thể tiến hành đối chiếu xác nhận bất thường khi có đề nghị của một bên bất kỳ. Ngày 02/02/2017 chúng tôi có nhận được thư cam kết bảo lãnh ngân hàng B với sổ tiền 1 tỷ và nội dung như sau:

“Ngân hàng B cam kết không hủy ngang thanh toán cho Quý công ty số tiền tối đa 1.000.000.000 đồng khi nhận được yêu cầu thanh toán đầu tiên bằng văn bản được ký hợp lệ cũng các bằng chứng pháp lý rõ ràng của Quý công ty, thông báo rằng:

i. Quý công ty đã giao (cung cấp) cho Bên được bảo lãnh hàng hóa (dịch vụ) phù hợp với hợp đồng đã ký kết; và

ii. Hết thời hạn thanh toán được quy định trong hợp đồng Bên được bảo lãnh chưa thanh toán cho Quý công ty Yêu cầu thanh toán của Quý công ty phải gửi cho Ngân hàng chúng tôi được ký bởi người đại diện hợp pháp của Quý công ty. Và các tài liệu kèm theo chứng minh nghĩa vụ được bảo lãnh được ký bởi Bên được bảo lãnh và Quý công ty.

Bảo lãnh này có hiệu lực từ ngày 02/02/2017 đến ngày 31/01/2018. Bảo lãnh này sẽ tự động hết hiệu lực khi Ngân hàng chúng tôi nhận lại bản gốc thư bảo lãnh” Ngày 01/12/2017, công ty tôi và công ty X có ký biên bản đối chiếu công nợ tại ngày 30/11/2017 với số tiền bên công ty X còn đang nợ chúng tôi là 167 triệu đồng. Trong tháng 12, công ty X tiến hành chuyển khoản số tiền 71 triệu đồng, số tiền 96 triệu còn lại công ty X thông báo đã được bù trừ hết với lý do: 

Lý do 1: Công ty X có ký hợp đồng vận chuyển xi măng với công ty A (là công ty tổng của công ty tôi) trong đó có ký quỹ đảm bảo số tiền 70 triệu. Ngày 11/12/2017, công ty X có làm biên bản thanh lý hợp đồng với công ty A và 2 bên đã ký biên bản thanh lý có nội dung “số tiền ký quỹ 70 triệu sẽ được đối trừ vào tiền mua xi măng của công ty X đang nợ tại công ty A”.  Công ty X chỉ mua xi măng của công ty tôi, không mua xi măng của công ty A, đồng thời công ty tôi là chi nhánh của công ty A nên 70 triệu sẽ được bù trừ vào công nợ của công ty X với công ty tôi.

Lý do 2: Số tiền 26 triệu là tiền phí bảo lãnh công ty tôi chịu như các năm trước đã từng thực hiện (mặc dù trong hợp đồng số 1 không có quy định về điều khoản này)Vì trong biên bản thanh lý hợp đồng không có nội dung công ty tôi được bù trừ công nợ và công ty X không đạt sản lượng tiêu thụ nên công ty tôi không đồng ý về mức phí bảo lãnh công ty tôi chịu.

Ngày 20/01/2018, do không thống nhất được với bên công ty X, chúng tôi đã viết văn bản gửi ngân hàng B yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền 96 triệu, kèm theo là bản gốc thư bảo lãnh và biên bản đối chiếu công nợ ngày 1/12/2017 số tiền 167 triệu đồng. Tuy nhiên ngân hàng B từ chối thực hiện thanh toán với lý do: chưa có tài liệu chứng minh nghĩa vụ được bảo lãnh được ký bởi công ty tôi và công ty X là biên bản đối chiếu công nợ tại ngày 31/12/2017 và các bên chưa có sự thống nhất về số tiền công nợ của công ty X với công ty chúng tôi”.

Với nội dung trên, tôi muốn hỏi luật sư tư vấn giải đáp thắc mắc của tôi về 2 vấn đề sau:

1. Việc từ chối thanh toán của Ngân hàng B có đúng không.

2. Trong trường hợp chúng tôi không đồng ý với ý kiến của ngân hàng B, tôi có thể làm như thế nào để đảm bảo quyền lợi của công ty chúng tôi.

Rất mong được sự giúp đỡ của luật sư và nhận được trả lời ssm nhất có thể để đảm bảo quyền lợi cho công ty chúng tôi. Xin cảm ơn! 

Nội dung tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 21 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng:

"Điều 21. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh phải gửi văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm hồ sơ theo thỏa thuận tại cam kết bảo lãnh cho bên bảo lãnh. Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được coi là hợp lệ khi bên bảo lãnh nhận được trong thời gian làm việc của bên bảo lãnh và trong thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh. Trường hợp gửi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng thì ngày bên bảo lãnh nhận được yêu cầu là ngày ký nhận thư bảo đảm.

2. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:

a) Trường hợp bảo lãnh ngân hàng (trừ trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh):

Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày bên bảo lãnh nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh và thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 3 Điều này.

...."

Với trường hợp của quý Công ty, chứng thư bảo lãnh yêu cầu bên nhận bảo lãnh phải gửi hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Điều khoản như trên thường dẫn tới bế tắc cho cả 3 bên: ngân hàng, khách hàng bên thụ hưởng bảo lãnh và khách hàng bên được bảo lãnh. Ngay cả khi bên thụ hưởng bảo lãnh cung cấp hồ sơ đầy đủ và yêu cầu thanh toán bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh cũng cho rằng, họ chưa vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, cơ quan duy nhất có thể đưa ra phán quyết họ có vi phạm hay không là tòa án. Nếu chỉ dừng ở mức tranh chấp giữa 2 bên, ngân hàng không thể biết được có vi phạm hay không. Nếu không được khách hàng chấp nhận là đã vi phạm, thì ngân hàng không thể thực hiện thanh toán bảo lãnh, bởi sau đó ngân hàng sẽ không thể buộc khách hàng nhận nợ được. 

Như vậy, trường hợp nếu quý công ty không đồng ý với ý kiến của ngân hàng B thì quý công ty nộp đơn khởi kiện tới Tòa dân sự cấp huyện nơi ngân hàng có trụ sở để được giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo