Luật sư Việt Dũng

Vay tín chấp là gì? Vi phạm khi đòi nợ tín chấp bị xử lý thế nào?

Hiện nay, hoạt động cho vay tín chấp đang diễn ra phổ biến bởi không cần tài sản đảm bảo giá trị mà vẫn có thể vay một khoản tiền lớn phục vụ nhu cầu của mình. Đặc biệt, rất nhiều người có nhu cầu vay tín chấp tại ngân hàng và các công ty tài chính. Tuy nhiên nếu không để ý tuân thủ các quy định trong hợp đồng vay tín chấp, người dân có thể sẽ gặp phải những rủi ro pháp lý nhất định.

1. Vay tín chấp là gì?

Vay tín chấp không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là cách nói thông thường của người dân. Vì thế, khái niệm này không được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Theo cách hiểu thông thường, vay tín chấp là hình thức cho vay vốn không cần tài sản đảm bảo. Đơn vị xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập của người vay, lịch sử tín dụng của họ…

Như vậy, có thể hiểu đơn giản, vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để phục vụ cho các mục đích cá nhân.

Vay tín chấp cũng thường được xét duyệt trong trường hợp khách hàng vay tiêu dùng. Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN:

1. Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó…

Do mức lãi suất của hoạt động vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng như ngân hàng thường không chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự mà thường cao hơn rất nhiều; nên nhiều trường hợp rơi vào tính trạng vi phạm khi bị đòi nợ tín chấp.

2. Luật sư tư vấn về vi phạm khi đòi nợ tín chấp

Tôi có vay tín chấp của cty tài chính X - thời hạn vay 18 tháng, tổng số tiền vay là 31 triệu (30 triệu tiền vay+ hơn 1 triệu là tiền mua bảo hiểm khoản vay), mỗi tháng tôi phải đóng gốc và lãi là 1.967.000đ. Thời gian đầu tôi vẫn đóng được tiền gốc và lãi đầy đủ, nhưng do mấy tháng gần đây, tôi gặp khó khăn về tài chính nên tháng đóng được, tháng không đóng được.

Công ty TC X đã làm đơn khởi kiện tôi vì tội lạm dụng, chiếm đoạt tài sản, đồng thời, họ có vào trang cá nhân facebook của tôi để kết bạn với tất cả bạn bè của tôi và họ có 1 bài đăng có hình ảnh của tôi, hồ sơ của tôi và cả đơn tố cáo tôi trên trang cá nhân của họ. Xin Luật Sư cho tôi hỏi:

- Tôi có phải là lạm dụng và chiếm đoạt tài sản không trong khi tôi đã đóng tiền thời gian đầu là đầy đủ, về gần đây tôi khó khăn nên tôi mới đóng không được đều?

 - Cty X đã đăng bài trên trang cá nhân của họ để mọi người, bạn bè của tôi biết tôi đang vay của tổ chức này, như vậy cty này có phải đang bôi nhọ danh dự nhân phẩm của tôi không? xử phạt với trường hợp này như nào?

- Tổ chức X cho vay với lãi suất cao? như vậy họ có bị vi phạm về mặt pháp luật không? (vượt mức so với ngân hàng nhà nước) Xin hồi đáp cho tôi thông tin sớm. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Không trả được nợ có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Căn cứ Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người vay phải có thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Dựa trên các thông tin bạn cung cấp thì sau khi vay bạn vẫn đóng tiền gốc và lãi đầy đủ, sau mấy tháng do bạn gặp khó khăn về tài chính nên tháng đóng được, tháng không. Bạn đang lâm vào tình trạng không có khả năng trả nợ nhưng chúng tôi nhận thấy bạn chưa có các dấu hiệu của việc lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nêu trên.

2. Về hành vi đăng tải thông tin vay nợ lên mạng xã hội có vi phạm?

Công ty TC X có hành vi đăng bài có hình ảnh, hồ sơ của bạn và đơn tố cáo lên mạng xã hội cho nhiều người thân, bạn bè biết việc bạn có nợ chưa trả. Hành vi này tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra có thể bị truy cứu TNHS về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): 

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

...”

Trường hợp hành vi của người này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng.

3. Về lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính

Về lãi suất, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác..."

Chiếu theo quy định của Bộ luật dân sự, nếu là cá nhân hoặc tổ chức thông thường (không phải tổ chức tín dụng) có quan hệ vay tiền thì mức lãi suất không được vượt quá 20% một năm. Tuy nhiên trong trường hợp vay tiền của một tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật thì mức lãi suất có thể cao hơn. Cụ thể, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định như sau:

Điều 13. Lãi suất cho vay

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”

Theo đó, nếu bạn vay tiêu dùng cá nhân thì việc áp dụng lãi suất do các bên thỏa thuận.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo