Hoàng Thị Nhàn

Giá trị pháp lý của bản di chúc photocoppy

Bản di chúc viết tay không có công chứng, chứng thực nay bi thất lạc mà chỉ còn bản photocoppy. Vậy Bản di chúc photo nói trên có giá trị pháp lý không ? Cần có những điều kiện gì để bản di chúc dưới dạng photo có giá trị pháp lý không?

 

Anh tôi có lập một bản di chúc viết tay vào năm 1998 thỏa mãn khoản 1 điều 630 bộ luật dân sự. Bản di chúc viết tay không có công chứng, chứng thực. Anh tôi và tôi đã photo bản di chúc thành nhiều bản (bản chính anh tôi giữ hiện nay bi thất lạc) và giao cho tôi một bản photo. Anh tôi đã mất 15/3/2012 năm mươi ngày tôi thay mặt anh tôi đọc bản di chúc. Chị tôi công nhận và hứa làm theo di chúc của anh tôi đã viết khi còn sống, các cháu tôi không công nhận bản di chúc vì bản di chúc không có công chứng, không phải là bản chính. Vậy tôi xin văn phòng luật sư tư vấn cho tôi biết:

- Bản di chúc photocoppy (Anh tôi viết tại trang 33-34-35 cuốn sách gia phả của dòng tộc) có giá trị pháp lý không?

- Nếu bản di chúc dưới dạng photocoppy có giá trị cần phải có các điều kiện gì?

Xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì năm 1998 anh của anh/chị có lập di chúc viết tay thỏa nãn điều kiện tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 630 mà anh/chị đề cập đến là quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), do đó sẽ không áp dụng quy định này để xác định tính hợp pháp của bản di chúc được, mà sẽ phải căn cứ vào quy định tại Bộ luật dân sự năm 1995 (có hiệu lực từ ngày 01/7/1996). Cụ thể, tại Điều 655 quy định:

 

“1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”

 

Như vậy, bản di chúc anh/chị đề cập đến là hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện trên. Tuy nhiên, khi lập di chúc không có người làm chứng cũng như không công chứng hay chứng thực nên khi bản di chúc đó bị thất lạc thì rất khó để chứng minh bản di chúc photo đang giữ là sao y bản chính. Mặt khác, Khoản 1, Điều 642 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

“1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.”

 

Do bản di chúc thất lạc mà anh/chị chỉ có bản photo di chúc không có công chứng hay chứng thực, cũng không có người làm chứng nên bản di chúc photo nói trên không có hiệu lực pháp lý

 

Để bản di chúc dưới dạng photo có giá trị thì anh/chị cần phải chứng. Đối với bản sao giấy tờ, văn bản được chứng thực thì có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch (Khoản 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, khi đi chứng thực cũng cần phải có bản chính.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nguyễn Thị Oanh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo