Cà Thị Phương

Giả mạo danh tính thực hiện hợp đồng vay - cầm cố sổ hộ khẩu

Luật sư tư vấn về cách giải quyết khi bị giả mạo danh tính tham gia hợp đồng dân sự và việc làm lại sổ hộ khẩu khi bị mất cắp.

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật Minh Gia! Tôi có một việc liên quan đến vay nợ xin nhờ quý công ty tư vấn giùm.Sự việc là như sau: Vợ chồng tôi bị đứa em gái vợ lấy trộm sổ hộ khẩu cùng chứng minh thư của vợ tôi đi cầm cố vay tiền. Và đứa e cũng đã bỏ trốn vì vỡ nợ ko ai biết để liên lạc được. Đến khi bên đòi nợ tìm tới gia đình tôi mới tá hoả biết được. Tất cả giấy tờ vay nợ đều do đứa em viết và ký giả mạo lấy danh tính là vợ tôi. Vì số tiền nợ cầm sổ hộ khẩu tương đối lớn 250 triệu với lãi xuất 3 nghìn/tr/ ngày. Nên gia đình tôi không có khả năng chi trả. Họ đòi kiện ra pháp luật, nhưng tôi nghĩ là vợ chồng tôi ko vay nên ko có nghĩa vụ phải trả. Còn cần thì ra pháp luật đối chứng chữ viết. Ai vay tìm người đó đòi. Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp:

1. Vợ chồng tôi có phải trả số tiền đó ko?

2. Nếu ra pháp luật thì ai sẽ là người thắng?

Thứ 3 là tôi có nên trình báo mất sổ hộ khẩu với địa phương không? Và có được cấp lại không?

Có gì mong luật sư tư vấn giùm. Cuối thư tôi xin kính chúc toàn quý công ty an khang thịnh vượng.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Về nghĩa vụ trả tiền và việc bị kiện ra Tòa:

 

Theo quy định tại Điều 127 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì:

 

"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình".

 

Việc thực hiện giao dịch giữa em gái vợ bạn và bên cầm đồ vô hiệu do có yếu tố lừa dối. Cụ thể em gái vợ bạn giả mạo vợ bạn thực hiện hợp đồng vay cầm cố tài sản, cầm cố sổ hộ khẩu của gia đình bạn. Em vợ bạn làm cho bên vay tin tưởng cô ấy chính là vợ bạn khi đưa ra chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Hành vi của em vợ bạn là hành vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ Luật Dân sự thì:

 

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lâp.

 

2. khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả"

 

Trường hợp này, phía em vợ bạn phải hoàn trả lại số tiền vay cũng như khoản lãi trên số tiền vay cho bên cho vay và bên cho vay phải trả lại sổ hộ khẩu cho hai vợ chồng bạn. Do đó, vợ chồng bạn không phải hoàn trả số tiền này. 

 

Tuy nhiên, bên cho vay lại luôn cho rằng vợ bạn là người thực hiện giao dịch và muốn kiện vợ bạn ra Tòa. Trong trường hợp này để được pháp luật bảo vệ thì vợ chồng bạn cần phải chứng minh được vợ bạn không tham gia giao dịch này như chứng minh việc em gái vợ bạn lấy trộm sổ hộ khẩu, chứng minh thư của vợ bạn cũng như chứng minh được vợ bạn không ký trên hợp đồng cho vay. Chỉ khi chứng minh được vợ bạn không phải là người thực hiện giao dịch trên thông qua các chứng cứ trên thực tế thì khi bị kiện ra Tòa vợ chồng bạn sẽ được pháp luật bảo vệ và không phải trả số tiền trên.
 

Về việc trình báo mất sổ hộ khẩu:


Bạn nên trình báo về việc mất sổ hộ khẩu với địa phương để được cấp lại sổ hộ khẩu để có sổ hộ khẩu để sử dụng khi cần thiết. Khi báo mất sổ hộ khẩu thì bạn sẽ được cơ quan nhà nước cấp lại sổ hộ khẩu. 

 

Vì tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA quy định:


“Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp trước đây. Hồ sơ đổi, cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:
 

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
 

b) Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu số mới).
 

Cơ quan đăng ký cư trú thu lại sổ hộ khẩu bị hư hỏng hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và đóng dấu hủy để lưu hồ sơ hộ khẩu”.

 

Để được cấp lại sổ hộ khẩu bạn cần chuẩn bị các giấy tờ theo quy định trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo